Phía “Thiên nga bay đi”

BẢO ANH 12/07/2020 07:18

Trải hơn 20 năm rong ruổi cùng thơ, Nguyễn Giúp đã là cái tên quen trên sân chơi thơ ca không chỉ Quảng Nam mà là cả nước. Tên thì quen nhưng thơ anh vẫn “lạ” - cái “lạ” của sự tươi mới mà chín chắn, cách tân mà gần gũi, quẫy đạp mà hiền lành, chắt chiu mà hào phóng...

Bìa tập thơ “Thiên nga bay đi” của Nguyễn Giúp. Ảnh: B.A
Bìa tập thơ “Thiên nga bay đi” của Nguyễn Giúp. Ảnh: B.A

Được sắp xếp trật tự, lớp lang thành 5 phần (Những linh hồn rạ; Chuyện với Bon; Sóng; Cung đàn; Thiên nga bay đi), nhưng rồi tập thơ “Thiên nga bay đi” của Nguyễn Giúp (NXB Hội Nhà văn 2020) vẫn gây cho người đọc những “xáo trộn” nhất định. Là một chỉnh thể liên hoàn, tách bạch nhưng các phần/ chủ đề lại giao thoa, chồng lấn, đan cài vào nhau, tạo nên một phức cảm thi ca mênh mang và sâu đằm. Các bài thơ trong từng phần vừa minh họa cho chủ đề mà chúng là thành tố, lại vừa có khả năng kết nối cảm xúc và mạch điệu với các phần/chủ đề khác và với cả tập thơ.

Có thể tìm thấy ở bất cứ trang nào trong tập thơ này những bài thơ, câu thơ, đoạn thơ như thế, như vài ví dụ dưới đây. “Tình yêu như lớp thực bì đã cháy/em ngồi khóc rất tự do” (Cõi khác) được tác giả xếp trong phần “Thiên nga bay đi” chắp cánh cho thẳm sâu những ẩn ức thăng hoa nhưng đồng thời nó vẫn hoàn toàn có thể góp mặt trong “Những linh hồn rạ” đầy ám gợi về em - tình yêu - quê xứ. Cũng vậy, “tiếng chim đơn độc/ngọn gió vẽ khuya/rừng cũ vỡ òa khuôn mặt anh” (Tiếng chim rừng cũ) trong phần “Chuyện của Bon” cũng có một “dung mạo” vừa vặn và hợp dáng trong phần “Cung đàn” giàu thanh sắc.

Nói như vậy để thấy, với “Thiên nga bay đi”, có thể đọc theo từng phần độc lập, để nhận diện những rung động riêng biệt; lại vừa có thể đọc hết các phần với tư cách là một chỉnh thể chung, để trải qua những thang nấc cảm xúc giàu có, phức tạp, đa dạng nhưng thống nhất. Như khi cùng tác giả lướt qua mảng ký ức rời từ “Những chuyến tàu vào Nam ra Bắc nghiến đường ray đau nhức giai điệu/Vì thế cha tôi không trở về/Phố xưa trăng tròn trăng khuyết/Đêm chùm sao quê nội/Bầy chim sẻ di cư sang vòm cây khác (Ký ức phố), sẽ cảm nhận được bao đắng đót đến ngậm ngùi. Như khi trải nghiệm tinh khôi với “Quê nhà một dòng xanh chảy suốt/nắng mưa mẹ cha cấy cày/đêm đêm thuyền chài/cuối vườn cuốc kêu ran đêm” (Cò trắng bay cao), sẽ thấy quê hương gần gũi, yên bình đến nhường nào.

Cái còn lại sau những hình ảnh, cảm xúc đối lập ấy có vẻ không là gì khác ngoài sự đồng cảm, sẻ chia, hay chính xác hơn là tình cảm chân thành, thiết tha mà người thơ dành cho quê xứ. Thiết tha và đẹp như những “Ngõ xưa” níu gọi người về: “Về đi, lúa vàng nơi thung hẹp/chào mào gọi hoa sưa/vàng ngõ (...)/Về đi, thềm xưa rêu chín/ta/mời em/bắt đầu cơn say...” (Ngõ xưa). Chân thành và nồng nàn như một phía “Rẻo cao” cuộc sống lên men: “Có nỗi nhớ Tr’Hy, Ch’Ơm dài hơn cơn mưa/có đứa trẻ vừa mới sinh ra đã hình hài núi/già làng u... u... bập thuốc/bên ché rượu thu lu/sự sống/sủi tăm” (Rẻo cao). Có phải vì vậy mà có người từng nhận xét, rằng với đất đai cố thổ, thơ Nguyễn Giúp vừa cứng nặng như đất bệ tháng ba, vừa ngọt mềm như nước Thu Bồn, Vu Gia cổ tích?...

Trong cuộc dấn thân vào hành trình thi ca rất dài phía trước, Nguyễn Giúp “...đi với mớ thời gian còn lại/Một mình/Rỗng không/Và bất tận có thể” (...Và bất tận có thể). Đi, để nhận ra nơi quê nhà một tình yêu chung thân sâu dày, để thơ anh ngọt mát tươi trong như nước mạch, vạm vỡ như sóng biển: “Những người đàn ông cắm giấc mơ lưng trần lên đôi mắt/xé đêm/cơn giông cắt đứt bầu trời ra nhiều mảnh/từ ánh chớp người đàn bà vượt ra ngoài phía bão/nắng đầy ngực khuya” (Khúc làng chài quê tôi).

Dấn thân, để nhận được những “hoan sung” và không ít đớn đau: “những thanh âm trở về ẩn trắc/sau lần hoan sung/em niềm đau làn da ngày mới/rần môi hôn vòng tay bật nụ/ta lỡ một cung đàn” (Cung đàn). Những cơn nhớ, cơn yêu và bao ẩn ức trong hoang tàn xưa cũ, giữa lộng lẫy thực tại... bùng lên, xót xa và đẹp đến lạ kỳ trong mỗi câu thơ. Có lẽ do vậy mà nhiều bài thơ “phá thể” trong tập này dường như không phải do tác giả chủ tâm, cố ý sắp đặt mà là do sự xô đẩy tự nhiên của cảm xúc. “Gã/ngồi uống bia/nhìn/mưa phố/trong cây xăng bầy thiên nga trắng ướt/ý nghĩ phụt cháy” (Bầy thiên nga bay đi).

Ở phía “Thiên nga bay đi”, sau khi cánh - chim - thơ này đã vỗ cánh, người yêu thơ lại tiếp tục hy vọng và chờ đợi nơi anh - người thơ đang mải miết “tận cùng đi” trên những cung đường dích dắc suốt cuộc người: “Đêm/ngọn nến tận cùng cháy/chim tận cùng hót/anh tận cùng đi/và em vắt những giọt nước mắt cuối cùng/quánh đặc...” (Tiếng chim rừng cũ).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phía “Thiên nga bay đi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO