“Tôi tìm tôi một ngày nhạt nắng/ Vấp gót chiều xanh thẳm miền xa/ Tôi tìm tôi giữa phố phồn hoa/ Chợt rơm rạ đồng dao quay quắt” (Tìm tôi). Có thể đây chưa hẳn là những câu thơ hay nhất trong số hàng trăm câu của 48 bài thơ trong tập “Phía xa xăm” (NXB Hội Nhà văn, tháng 1.2020) của Lê Văn Ri. Thế nhưng những câu thơ ấy như có sức níu kéo kỳ lạ. Để rồi đọc chậm hơn, để rồi chợt như được nghe chút thảng thốt, tiếc nuối, day dứt, như được cùng người thơ tự vấn, rồi cùng tìm về với một ngày xưa xa lắc, hiền hòa, dung dị...
Vẫn như ở tập thơ “Gió qua triền cát” xuất bản năm 2009, ở tập thơ thứ hai này, Lê Văn Ri chủ yếu khai thác các đề tài muôn thuở: tình yêu trai gái; cảm xúc trước vẻ đẹp của quê hương, xứ sở; những truy vấn, trăn trở về cuộc đời... Anh nặng lòng và thơ anh nặng tình trước những hy sinh lớn lao, thầm lặng của đấng sinh thành. Anh tìm thấy bóng cha, dáng mẹ yêu thương trong hình bóng quê hương: “Quê cũ tìm về day dứt niềm riêng/ Xa khuất bóng cha, gập ghềnh dáng mẹ/ Đêm bình yên nghe tim mình hát khẽ/ Thương câu hò đứt gãy xa xôi...” (Khúc tình quê).
Nhiều lúc, giấc “Chiêm bao” của anh không chỉ là cơn mơ bình thường mà là một khúc tâm tình gan ruột, ăm ắp nhớ thương về mẹ: “Mẹ đi bóng núi đầy vơi/ Lòng con vẫn nhớ những lời mẹ khuyên/ Mẹ về trong cõi tịnh yên/ Dẫu xa ngàn dặm hồn thiêng ru hời”. Đâu đó hình ảnh rất thực nhưng cũng đầy tính khái quát về một bà mẹ Việt Nam vì nghĩa lớn mà lặng thầm chống chọi, một mình vượt qua nỗi đau riêng xé ruột bầm gan: “Đã bao đêm mẹ bỏm bẻm nhai trầu/ Đom đóm chao mong con về gọi cửa/ Bước chân quen chẳng bao giờ về nữa/ Phía xa xăm đâu chỗ con nằm?” (Phía xa xăm).
Nương theo câu thơ đi tìm ký ức, Lê Văn Ri lặng lẽ quay về với những trải nghiệm, cảm xúc chân chất, hiền lành và trong trẻo. Trong trẻo như một thoáng tình khờ đã trôi rất xa vào miền quá khứ: “Anh như về lại ngày xưa/ Nôn nao xa vắng, nắng trưa cồn cào/ Suối tình vỡ sóng lao xao/ Tim anh lỗi nhịp đêm chao cánh buồm” (Dòng sông mưa)... Sự chân chất, gần gũi của thơ Lê Văn Ri còn được “mặc định”, in dấu trong những hình ảnh, thi ảnh rất quen thuộc, như giếng nước, dòng sông, cánh cò, vầng trăng, đường làng, mái trường... Quen, nhưng vẫn có một nét riêng, ví như mối tình hư hư thực thực của riêng anh thuở nào: “Con sông quê vẫn đôi bờ/ Chút duyên bồi lở, hững hờ phía anh” (Hư thực).
Bày ra những cảm xúc hết sức thật thà, “Phía xa xăm” của Lê Văn Ri trở nên đằm dịu và gần gũi. Với thơ, để chia sẻ và để được chia sẻ, nhiều khi hình như chỉ cần như thế là đủ.