Giả lập hình ảnh, có thể chỉ là câu chuyện mua vui, giảm căng thẳng của nhiều người, khi đăng nhập mạng xã hội để tiêu khiển. Thế nhưng, đã có những cảnh báo từ cơ quan chức năng về hệ lụy khi giả lập hình ảnh trên thế giới ảo.
Mạng xã hội những ngày qua tràn ngập hình ảnh của người dùng được thể hiện bằng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), “biến hình” thành những nhân vật dáng dấp, diện mạo sang trọng lịch lãm hoặc đậm nét diễn viên điện ảnh… Giới công nghệ gọi đây là phương pháp giả lập hình ảnh của mỗi người, sử dụng AI tạo câu chuyện giải trí, một cách thể hiện dí dỏm nào đó mà thôi.
Trong tiếng Việt, “giả lập” là từ Hán Việt, với chữ giả viết hài thanh bộ nhân (người) và chữ giả (trao đổi), nghĩa là một người đổi thành cái khác; và chữ lập vẽ hình một người đứng nghiêm chỉnh, chỉ ý chính xác là con người đó.
Giả lập vì thế có nghĩa là tạo nên một con người, sự vật, sự việc đúng y như thế, nhưng không phải là thế. Hình ảnh giả lập là hình ảnh soi chiếu, không thể xác định là chân thật, lại càng không thể tin tưởng giá trị mang lại.
Khi giới công nghệ sử dụng công nghệ AI để tạo công cụ giả lập hình ảnh mỗi cá nhân, mục tiêu chính là tạo môi trường tương tác thuận lợi hơn cho người sử dụng. Điều này đặc biệt cần thiết trong những môi trường dịch vụ kinh doanh, giao tiếp bán hàng trong kỷ nguyên số.
Với kho dữ liệu lớn, tích hợp nhiều điều kiện giả định, một công cụ AI khi kết hợp với một dữ liệu thật, “chính chủ”, có thể tạo nên hàng trăm bối cảnh thể hiện khác nhau xoay quanh mục tiêu chính.
Đơn giản như một cửa hàng thời trang, một tiệm tóc, khách hàng vào lấy hình ảnh của mình để giả lập nên hàng chục “nhân vật” khác nhau, mặc đủ loại trang phục hay kiểu tóc, giúp người dùng chọn lựa chính xác hơn những mẫu hợp ý. Việc giả lập hình ảnh như thế, cực kỳ có lợi và hiệu quả, chỉ trong vài phút đưa ra được tư vấn thỏa đáng cho khách hàng.
Ngày 30/10, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, giảm thiểu những rủi ro AI có thể gây ra. Đồng thời nâng cao tính bảo mật của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực AI. Theo Nhà Trắng, sắc lệnh được xây dựng dựa trên các cam kết tự nguyện của một loạt công ty công nghệ hàng đầu. Theo lệnh này, các công ty khi phát triển các hệ thống AI có nguy cơ gây rủi ro cho an ninh và nền kinh tế quốc gia, sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng, phải chia sẻ kết quả kiểm tra an toàn với Chính phủ Mỹ trước khi công bố rộng rãi. Đồng thời sắc lệnh mới này cũng giúp giải quyết các rủi ro liên quan đến hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và an ninh mạng.
(Theo daibieunhandan.vn)
Dĩ nhiên để AI có được năng lực xử lý hình ảnh linh hoạt như vậy, công cụ cần được đào tạo, học dữ liệu, và đây là lý do những phần mềm giả lập được đưa ra cho người dùng mạng xã hội trải nghiệm, có thể vui đùa giải trí với hình ảnh giả lập của mình song thực chất đang cùng “dạy” cho công cụ AI thành thục xử lý dữ liệu hơn. Sự hợp tác hoàn thiện các công cụ AI như vậy là rất tốt.
Nhưng phía sau những biểu hiện tích cực này, công cụ AI lại ẩn tàng nguy cơ với người dùng, khi hình ảnh thật của họ dễ bị cắt xén, ghép đổi vào những ngữ cảnh khác nhau. Những kẻ mang dụng tâm xấu khi có công cụ AI thông minh linh hoạt như vậy, rất dễ đạt mục tiêu giả lập người dùng và thực hiện các hành vi bất thiện.
Không chỉ có tống tiền, lừa đảo, mà đơn giản dùng hình ảnh người dùng để tạo câu chuyện bôi nhọ nhân thân, danh dự người khác, cũng là một cách sử dụng công cụ AI trực tiếp phục vụ những mưu đồ xấu. Người dùng, khi sử dụng đào tạo những công cụ giả lập, coi như vô tình tiếp tay làm tổn thương cho chính bản thân và những người khác.
Giả lập hình ảnh, có thể chỉ là câu chuyện mua vui, giảm căng thẳng của nhiều người, khi đăng nhập mạng xã hội để tiêu khiển.
Nhưng “miếng pho mát luôn nằm sau bẫy chuột”, người dùng phải hết sức cẩn thận và nghiêm túc khi tham gia những “bữa tiệc” giả lập này. Nếu không khéo nhận ra vấn đề, không tự bảo vệ lấy mình, người dùng có thể bị chính hình ảnh giả lập của mình làm hại.
Hai chữ giả lập, vì thế rất cần mọi người hiểu đúng, là vậy mà không phải vậy, thấy đó mà chắc chắn không phải là đó. Mọi giả định đều phải có bối cảnh nhất định để thể hiện, không nên để xảy ra nhầm lẫn và đánh tráo các khái niệm.
Giả lập dùng đúng cách, biết cách dùng thì sẽ là giả lập. Nếu không, giả sẽ thành thật và nguy cơ sau đó, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm lấy.