Phiên chợ quê Tiên Phước xưa là nét văn hóa đặc trưng của làng quê Việt nói chung, vùng trung du xứ Quảng nói riêng. Huyện Tiên Phước khôi phục chợ quê nhằm hưởng ứng Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017, đồng thời quảng bá cảnh quê Tiên Phước để thu hút du khách đến với miền quê có con sông Tiên hiền hòa thơ mộng...
|
Một góc khu ẩm thực xứ Tiên của sản phẩm du lịch “chợ quê Tiên Phước”. |
Sống trong tiềm thức
Từ hơn một thế kỷ trước, vùng đất Tiên Phước đã phát triển nông nghiệp, giao lưu buôn bán hàng hóa nông sản, khai mở thương nghiệp. Các trang trại, hội buôn, chợ búa… được thành lập để tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trao đổi, mua bán ra bên ngoài nhiều sản vật đặc trưng của địa phương như tiêu, quế, chè, chuối… Theo các cụ cao niên, chợ huyện xưa nhỏ hẹp, hàng quán là những lều bằng gỗ hoặc tre, lợp tranh rất mát mẻ về mùa hè, ấm về mùa đông. Đầu chợ là dãy hàng quán ẩm thực gồm các món như mỳ Quảng, bún mắm, bánh đúc, bánh bèo, cháo lòng… dành cho cho thực khách là bà con ở các xã xa trung tâm huyện có cái “bỏ bụng” trước khi gồng gánh hàng hóa mua từ chợ về nhà.
Nằm trong các hoạt động hưởng ứng Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, cùng với khai trương sản phẩm du lịch “Chợ quê”, huyện Tiên Phước còn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút du khách như: triển lãm và trao giải thưởng cuộc thi ảnh “Nét đẹp xứ Tiên” (ngày 10.6), chương trình văn nghệ chủ đề “Về miền trung du” (tối 11.6). Huyện còn phối hợp với sở VH-TT&DL tổ chức đón tour famtrip du lịch của 3 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế đến khảo sát tiềm năng và trải nghiệm du lịch Tiên Phước trong hai ngày 10 và 11.6.2017. |
Các phiên chợ ở vùng quê Tiên Phước ngoài vai trò giao thương, còn là nơi gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe, trao đổi thông tin của người dân, góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, mối quan hệ đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư. Cụ bà Đoàn Thị Thảo (ở thôn 2, xã Tiên Phong, năm nay tròn 80 tuổi) bảo, ngày xưa muốn đến chợ phải đi bộ gần chục cây số, nhưng rất vui khi được xem cảnh đông người nói cười, hỏi chào rôm rả, thân thiện, cảnh mua bán nhộn nhịp. Hồn quê ở mỗi phiên chợ thể hiện qua cách ứng xử, cách ăn mặc, cách thưởng thức các món ăn dân dã… đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người.
Trong điều kiện hiện nay, kinh tế phát triển, chợ quê đã có nhiều thay đổi cả về quy mô lẫn cách thức mua bán. Tuy nhiên, đối với người dân Tiên Phước, phiên chợ quê với những hình ảnh mộc mạc, thân quen là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của mỗi người. Vì vậy, đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại bền vững, gắn với du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng” (gọi tắt là Đề án 548) giai đoạn 2016-2025 được UBND tỉnh triển khai thực hiện cũng đã xác định: Giữ gìn và phát huy chợ quê Tiên Phước thành không gian văn hóa đặc trưng của chợ quê Quảng Nam, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của du khách vừa là sản phẩm du lịch, vừa phục vụ nhu cầu tại chỗ của nhân dân.
Gìn giữ nét quê
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Theo Đề án 548, bên cạnh việc vận động nhân dân giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của chợ quê truyền thống, chúng tôi cũng đã đầu tư gần 2 tỷ đồng, giao cho thị trấn Tiên Kỳ phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tiến hành chỉnh trang chợ quê Tiên Phước với bốn phần chính gồm: chợ nông sản; khu trưng bày và bán hàng đặc sản Tiên Phước; khu ẩm thực xứ Tiên; khu bày bán các sản phẩm rau củ quả vùng nông thôn Tiên Phước”. Cũng theo ông Hường Văn Minh, việc chỉnh trang ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu truyền thống, đảm bảo vừa vững chắc, an toàn vừa thân thiện với môi trường, chú trọng phát triển hệ thống cây xanh tạo bóng mát và cảnh quan sạch đẹp. Đến nay, các hạng mục đã cơ bản được chỉnh trang theo hướng vừa đảm bảo nét văn hóa truyền thống, vừa khang trang, sạch đẹp.
Khu bán rau củ quả vùng nông thôn Tiên Phước. |
Ông Phạm Việt Hậu - Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Kỳ cho biết thêm: “Đối với 9 gian hàng bán nông sản đặc trưng, chúng tôi hợp đồng với các doanh nghiệp, hộ chuyên kinh doanh hàng nông sản sạch, sản phẩm đã qua sơ chế như chuối, nghệ, gừng, các loại trái cây, hoa, rau các loại và sản phẩm được sản xuất, đóng gói tại địa phương như trầm hương, quế, tiêu thực hiện trưng bày và cung cấp sản phẩm thường xuyên... Khu ẩm thực được chỉnh trang thay thế toàn bộ bàn ghế bằng gỗ, tre với các món ăn dân dã đặc trưng của quê hương như mỳ Quảng, các loại bánh chế biến từ bột gạo như bánh bèo, bánh nậm... với sức chứa tối đa khoảng 120 thực khách. Đối với khu chợ lồng, giữ nguyên vị trí quầy hàng, chỉ bố trí, sắp xếp lại cách bày bán đảm bảo khoa học, hợp lý thuận tiện cho việc đi lại, mua bán”.
Sản phẩm du lịch
Khu ẩm thực chợ quê Tiên Phước tấp nập thực khách vào ra. Các quầy hàng ăn uống được sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng đẹp mắt. Chị Đinh Thị Chính - quầy hàng bán chè cho biết: “Từ khi khu ẩm thực này được sửa chữa, nâng cấp khang trang, vừa đẹp mắt, vừa đảm bảo vệ sinh đã thu hút rất nhiều thực khách. Nhờ đó, việc buôn bán của tôi cũng như những người khác thuận lợi hơn trước rất nhiều”. Tại hệ thống quầy hàng vừa được xây dựng phục vụ cho việc trưng bày và bán sản phẩm đặc trưng xứ Tiên, ông Hồ Viết Ký - Giám đốc Công ty TNHH Sơn Tiến (xã Tiên Sơn) đang tiến hành các khâu hoàn thiện để đưa sản phẩm của công ty vào bày bán. Ông Ký nói: “Hiện chúng tôi đã chuẩn bị đủ lượng sản phẩm gồm gừng, nghệ, tiêu, quế cùng các loại nông sản khác và bố trí người bán thường xuyên tại chợ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Ông Hường Văn Minh khẳng định: Trên tinh thần Đề án 548, hưởng ứng Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 đến nay Tiên Phước đã cơ bản hoàn tất các bước chuẩn bị để khai trương sản phẩm du lịch “Chợ quê” vào ngày 11.6 tới, chính thức đưa chợ quê Tiên Phước thành sản phẩm du lịch phục vụ nhân dân và du khách. Sau dấu mốc quan trọng này huyện sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện chợ quê theo hướng nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ kết nối các khu buôn bán để khách hàng đi lại thuận lợi, tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển hệ thống cây xanh, đa dạng hóa sản phẩm khu ẩm thực, mở rộng khu buôn bán phía trước chợ đảm bảo phục vụ khách hàng và du khách cả ngày lẫn đêm để chợ quê thật sự là điểm đến hấp dẫn cho du khách lưu trú tại thị trấn Tiên Kỳ.
PHẠM HOÀNG
____________________
Tác phẩm dự thi “Đồng hành với Di sản Quảng Nam”