Sáng qua 16.3, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm tháng 3.2021 tại TP.Tam Kỳ. Nhu cầu tuyển dụng cao nhưng doanh nghiệp (DN) lại khó tìm người lao động (NLĐ).
Nhu cầu cao
Khoảng 12 nghìn vị trí việc làm được DN thông báo cần tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm tháng 3. Những công việc phổ biến được tuyển dụng gồm công nhân may, cắt, ủi có tay nghề, chuyên viên nhân sự, phiên dịch viên, quản lý, nhân viên thị trường, thợ cơ khí, sửa chữa ô tô, điện máy điện lạnh, điện dân dụng, lái xe... Mức lương các DN đưa ra dao động 5 - 10 triệu đồng/tháng tùy vị trí việc làm, kèm theo là các chế độ đãi ngộ dành cho nhân viên, công nhân từng công ty.
Ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam cho biết: “Sàn giao dịch việc làm tháng 3 có 13 DN đến tuyển dụng trực tiếp và 17 DN gửi thông tin tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng của DN cao, ở nhiều trình độ từ lao động (LĐ) phổ thông đến LĐ có trình độ, tay nghề, làm việc ở cả trong và ngoài nước. Chúng tôi hy vọng qua sàn giao dịch trực tiếp và qua kênh tuyển dụng online 24/24 sẽ kết nối giữa DN và NLĐ, hỗ trợ DN tìm kiếm được lượng LĐ phù hợp và NLĐ được giải quyết việc làm hiệu quả hơn”.
Nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN cao trong thời điểm đầu năm, nhưng số lượng NLĐ đến với sàn giao dịch khá khiêm tốn. Trong phiên giao dịch, anh Bùi Đức Học (TP.Tam Kỳ) vừa tốt nghiệp nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam đến tìm vị trí việc làm phù hợp. Theo anh Học, với ngành nghề của anh thì dễ kiếm việc, bởi nhu cầu tuyển dụng ngành ô tô tại phiên giao dịch khá cao. Vì thế anh Học có nhiều lựa chọn để tìm cho mình một vị trí phù hợp.
Với anh Đoàn Thanh Phương (huyện Quế Sơn), công việc mà anh đang tìm là ở một DN trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, thời điểm này tìm kiếm việc làm ở lĩnh vực này rất khó khăn. Thế nên anh quyết định đến sàn giao dịch việc làm để tìm cơ hội. Anh Phương nói: “Vì dịch bệnh nên tôi mất việc làm, giờ muốn tìm lại việc mà khó quá. Tôi đến sàn giao dịch với hy vọng nhiều công việc ở đây đang cần người, tôi sẽ tìm được một việc gì đó phù hợp với mình”.
Khó tuyển dụng
Nhiều DN đến sàn giao dịch với nhu cầu tuyển dụng nhiều LĐ, như Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.000 LĐ. Số LĐ này vừa bổ sung lượng LĐ đã nghỉ việc sau Tết Nguyên đán, vừa phục vụ cho việc mở rộng một xưởng sản xuất mới của công ty.
Bà Huỳnh Thị Phượng - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Panko Tam Thăng cho biết: “Sau tết âm lịch, lượng LĐ nghỉ làm tại công ty khoảng 200 người, bây giờ phải tuyển lại lượng LĐ này để bù vào khoảng trống họ để lại. Ngoài ra công ty tiếp tục mở thêm xưởng mới nên cần tuyển khoảng 1.000 người, nhưng thời điểm này rất khó tuyển dụng LĐ, dù chúng tôi tuyển bằng nhiều kênh nhưng từ sau tết đến nay vẫn chưa tuyển đủ số LĐ”.
Tương tự, nhiều DN trong và ngoài tỉnh cần tuyển dụng lượng lớn LĐ đến với sàn giao dịch với hy vọng sẽ kết nối được với NLĐ trong tỉnh. Như Công ty TNHH MTV Vast Apparel (Phú Ninh) cần tuyển 350 công nhân may, quản lý, học nghề may; Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quốc (Quảng Ngãi) cần tuyển hơn 6.000 LĐ ở nhiều vị trí điện, cơ khí, kỹ thuật viên; Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) có nhu cầu tuyển hơn 1.000 LĐ... Các công ty xuất khẩu LĐ nhu cầu cao nhưng cũng rất khó tuyển dụng trong thời điểm này.
Bà Lê Minh Thùy - Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty Suleco tại Quảng Nam cho biết: “Hiện Suleco thực hiện nhiều giải pháp để tuyển dụng LĐ đi xuất khẩu sang tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) theo thỏa thuận hợp tác giữa Quảng Nam và Nagasaki, nhưng tuyển dụng không được. Với đối tác, Suleco đã đàm phán giảm trình độ tuyển dụng, yêu cầu chỉ cần tốt nghiệp lớp 9 trở lên là có thể sơ tuyển để đào tạo. Công ty hỗ trợ NLĐ đào tạo miễn phí, chi phí chỗ ở trong thời gian đào tạo tập trung tại Tam Kỳ. Nhân viên của công ty đi tận xã, quay lại nhà của thực tập sinh để thăm hỏi, tìm hiểu nhu cầu đi làm trở lại của NLĐ... Nhiều cách vậy mà chỉ cần tuyển 10 LĐ để ngày 26.3 này phỏng vấn sơ tuyển vẫn chưa thể tìm được. Có lẽ dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến tâm lý NLĐ nên rất khó tuyển dụng LĐ đi làm việc ở nước ngoài”.