Phiên thảo luận tại tổ kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII: Cần cơ chế thông thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân

11/12/2012 12:23

(QNO) - Trong phiên thảo luận chiều nay 11.12, HĐND chia làm 4 tổ thảo luận về các nội dung đã được báo cáo trong phiên làm việc buổi sáng.

alt
Đại biểu Bùi Quốc Đinh chủ trì buổi thảo luận tại tổ 1 chiều 11.12.

Phần lớn đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các Sở NN&PTNT, Tài nguyên – môi trường, các ban của HĐND tỉnh đều thống nhất với các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2012, triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 160 của HĐND tỉnh về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương, giai đoạn 2011-2015; quyết định cơ chế hỗ trợ phát triển một số cây trồng gắn với kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2016. 

Nhận diện thời cơ và thách thức

Theo lãnh đạo ngành NN&PTNT, Tài nguyên – môi trường, các ban của HĐND tỉnh, ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội Quảng Nam. Đặc biệt, tình hình sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp bị đình đốn, đời sống công nhân khó khăn, giao dịch tài chính giảm nhiều so với trước đây. Trên lĩnh vực nông nghiệp, dù tăng con số tăng trưởng rất đáng mừng (7%, là một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao trong 18 địa phương duyên hải miền Trung), tuy nhiên vẫn là con số tăng trưởng không bền vững.

alt
Các đại biểu huyện Tiên Phước tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 6.

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Tri cho rằng tuy tình hình kinh tế khó khăn nhưng tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp đạt cao so với các năm, nhưng chỉ tập trung ở các lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài (khai thác vàng, giày da), trong lĩnh vực nông nghiệp có sản phẩm dăm gỗ xuất khẩu… “Thực tế cho thấy trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh cao, có lợi thế trong xuất khẩu; tuy nhiên chưa được chú trọng khuyến khích phát triển. Theo đó, trong thời gian đến chúng ta cần có chính sách thúc đẩy nông nghiệp tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị xuất khẩu, cung cấp thông tin dự báo thị trường, giá cả cho nông dân nắm rõ, tự điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền núi cũng cần quan tâm thu hút, khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp bằng những cơ chế chính sách hợp lý”- ông Tri nói.


alt
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ trao đổi với báo chí tại kỳ họp
“Sẽ tăng cường giám sát công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và khoáng sản”
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND lần thứ 6, khóa VIII, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ cho biết trước tình hình tài nguyên rừng, khoáng sản thất thoát do khai thác trái phép, chính quyền một số nơi buông lỏng quản lý… thời gian tới HĐND tỉnh sẽ tăng cường giám sát công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và khoáng sản, kiến nghị UBND tỉnh ban hành các cơ chế phù hợp. Về vấn đề an sinh đối với đồng bào vùng động đất thủy điện Sông Tranh 2, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, thúc đẩy UBND tỉnh và các ngành ở trung ương xem xét có biện pháp hỗ trợ cho đồng ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.
Với dự báo tình hình kinh tế tiếp tục gặp khó khăn trong năm đến, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ cho biết kỳ họp sẽ dành nhiều thời gian bàn thảo, đi đến quyết định các cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông dân, doang nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Đại biểu Đặng Văn Chương nhìn nhận: “Với thực tế khó khăn hiện nay của nền kinh tế, lượng hàng hóa tồn kho với số lượng lớn, sản xuất của doanh nghiệp đình trệ khiến công nhân mất việc ngày nhiều nhưng với chính sách thắt chặt chi tiêu như hiện nay sẽ rất khó cho việc giải bài toán hàng tồn kho của các doanh nghiệp. Trong khi đó, nông nghiệp đang có những phát triển thuận lợi. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế ở thời gian tới cần quan tâm cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững hơn”.

alt
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang phát biểu tại kỳ họp.

Giám đốc sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang nêu ý kiến: “Phải phân tích kỹ để làm rõ: nông dân tỉnh ta năm nay được mùa là do thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được khống chế tốt, công tác điều hành, chỉ đạo sản xuất của các cấp chính quyền, ngành liên quan hay vì năm trước chúng ta tăng trưởng thấp nên so sánh có con số chênh lệnh…”

Trong khi đó, nhiều đại biểu cũng dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn: dự báo tình hình khô hạn sẽ nghiêm trọng, đầu tư công cắt giảm, kinh tế khu vực chưa có tín hiệu tốt. “Tôi mong rằng từ sau kỳ hợp này, chính quyền các cấp tăng cường phổ biến tình hình, nhất là cho nông dân nhằm đối phó. 

Tìm cơ chế gỡ khó cho nông dân và doanh nghiệp

Đồng ý với báo cáo của UBND tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Minh phát biểu: “Trong cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chúng ta cần tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nội địa, sản phẩm nông nghiệp địa phương và tham gia giải quyết nhiều việc làm cho lao động tại chỗ”.    

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hùng (Quế Sơn), nông dân cần được quan tâm hỗ trợ trong các khâu đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; duy trì và phát huy vai trò các mô hình hợp tác xã dịch vụ để hỗ trợ nông dân. Đại biểu Vũ Xuân Sơn (Tiên Phước) lấy ví dụ từ địa phương mình để minh chứng cho việc hỗ trợ đúng sẽ giúp nông dân tìm hướng đi đúng trong xuất khẩu nông sản: cách đây 4 năm, một nông dân đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí để tự giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài cho nông sản. Tin tưởng với cách làm ăn của nông dân này, đến nay cây gió bầu và trầm cảnh đã của địa phương đã được nhiều nơi biết đến, nhiều nông dân của huyện ăn nên làm ra từ cách tự tiếp thị cho sản phẩm của mình.

alt

Sản xuất của nông dân vùng động đất bị đình trệ: Đó là thực trạng từ nhiều tháng qua của đồng bào trong vùng bị ảnh hưởng động đất ở Nam – Bắc Trà My. Vụ mùa bị đình đốn, sản xuất khó khăn do dân không yên tâm làm ăn dù chính quyền đã ra sức vận động nhân dân. Đó là chưa kể từ nay, nhiều công trình, dự án xây dựng trên địa bàn huyện phải tính đến yếu tố kháng chấn động đất theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, Do đó, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng sẽ tăng ít nhất 30% là khoảng kinh phí không nhỏ. Từ khi xảy ra động đất, nhiều nhà đầu tư đã lặng lẽ bỏ đi. Điển hình là dự án xây dựng bến xe trung tâm huyện, dù UBND huyện Bắc Trà Mỳ đã dành mọi cơ chế ưu đãi để thu hút nhưng doanh nghiệp cuối cùng xúc tiến dở dang dự án cũng vừa bỏ đi khỏi địa bàn. - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, ông Đặng Phong phát biểu tại buổi thảo luận.

Giám đốc sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang cho rằng năm 2013, tỉnh cần tiếp tục bổ sung nguồn kinh phí cho sự nghiệp nông nghiệp, đồng thời tiếp tục rót kinh phí thực hiện các nghị quyết mà HĐND tỉnh quyết nghị trong các năm trước. 

Bàn sâu các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, đại biểu Bùi Quốc Đinh (Tam Kỳ) cho rằng đánh giá đúng nguyên nhân tăng trưởng trên lĩnh vực nông nghiệp sẽ đề ra các giải pháp giúp ổn định tình hình sản xuất, đó là việc sản xuất theo quy hoạch, có tính toán, không để sản xuất một hay vài mặt hàng tràn lan dẫn đến dư thừa mà phải đảm bảo an toàn cho sản phẩm nông nghiệp. Cạnh đó, tình hình sản xuất của các khu, cụm công nghiệp đang rất khó khăn, thu hút đầu từ khó, tỉnh nên có cơ chế thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm. 

Một số vấn đề về khảo sát, đánh giá lại các loại rừng, tiến hành bàn giao đất rừng cho nông dân cũng được các địa phương miền núi kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương. Một số vấn đề trên lĩnh vực giáo dục như giải quyết biên chế cho giáo viên công tác lâu năm, chính sách thu hút, bố trí giáo viên ở miền núi chưa phù hợp cũng được đại biểu HĐND nêu lên tại kỳ họp. Tình hình đời sống khó khăn của người dân vùng tái định cư thuộc các dự án thủy điện, công tác thu hồi một số dự án chậm triển khai, công tác bảo vệ an ninh quốc phòng, việc đăng ký quản lý công nhân người nước ngoài tại các công trình thủy điện… cũng được nhiều đại biểu quan tâm.

Cao su – cây chiến lược thoát nghèo cho miền núi
Về chiến lược phát triển cây cao su ở các địa phương miền núi, đại biểu Nguyễn Bằng (Đông Giang) cho rằng cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các cấp ngành trong việc triển khai trồng cây cao su gắn với bảo vệ rừng hiệu quả. Bởi thực tế, khi tiến hành khai hoang đất trồng cao su thì lại vướng vào sự bất cập của quy hoạch, xác định các loại rừng, nên việc trồng cao su chậm được triển khai. Việc hỗ trợ đối với các hộ trồng cao su như nghị quyết là quá thấp, nhiều hộ đồng bào sẽ không có điều kiện trồng cao su, nên chăng chỉ tập trung cho người dân về cây giống…
Đại biểu Bling Mia ( Tây Giang) nhìn nhận: “Việc đầu tư trồng cây cao su gặp khó khăn nhất là cơ chế về đất đai. Làm sao doanh nghiệp dám bỏ hàng tỷ đồng để bồi thường đất đai cho người dân để lấy đất trồng cây cao su. Chúng ta cần xây dựng cơ chế đất đai hợp lý để thu hút doanh nghiệp trồng cao su ở miền núi, có như vậy mới góp phần giải bài toán thoát nghèo cho miền núi”.

Doãn Hoàng – Nguyên Đoan (lược thuật)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phiên thảo luận tại tổ kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII: Cần cơ chế thông thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO