Philippines vừa thông báo xử lý mạnh tay với nhiều mỏ khai khoáng niken trên toàn quốc để bảo vệ môi trường.
Philippines hiện là quốc gia xuất khẩu quặng niken hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1/4 nguồn cung niken toàn cầu, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Nhưng mới đây, Bộ trưởng Môi trường Philippines - bà Regina Lopez bất ngờ ký sắc lệnh đóng cửa vĩnh viễn 23 khu mỏ khai thác niken, trong tổng số 41 mỏ khai thác tại quốc gia Đông Nam Á này. Ngoài ra, 5 khu mỏ niken khác tạm thời bị đình chỉ hoạt động. Người đứng đầu ngành môi trường Philippines cho biết sắc lệnh này xuất phát từ việc nước thải của nhiều khu mỏ khai thác quặng đổ vào các con sông, ra biển và đất đai một cách bất hợp pháp, gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại đây. Bên cạnh đó việc khai thác mỏ còn gây ra nạn chặt phá rừng tràn lan. Bà Regina Lopez khẳng định, Philippines hoàn toàn có thể phát triển được mà không cần đến các hoạt động khai thác khoáng sản. Nhiều hoạt động khai thác gây ô nhiễm đang khiến Philippines sẽ đánh đổi nhiều thứ từ môi trường, sức khỏe người dân đến kinh tế.
Một mỏ khai thác quặng niken tại Philippines. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, ngày 14.2 vừa qua, bà Regina Lopez ra lệnh hủy bỏ 75 hợp đồng khai khoáng trị giá nhiều tỷ USD nhằm thúc đẩy chiến dịch ngăn chặn hoạt động khai thác tài nguyên ở những khu vực nhạy cảm. Sắc lệnh đóng cửa mỏ khai khoáng của bà Regina Lopez ngay lập tức nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà bảo vệ môi trường và người dân Philippines. Nhà hoạt động môi trường Edgardo Obra cho biết đây là quyết định mang tính tương lai, môi trường trong sạch sẽ mang lại nhiều lợi ích sau này còn lớn hơn với những thiệt hại mà công ty khai thác khoáng sản gây ra như thời gian qua. Sau khi thị sát các khu mỏ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa lên tiếng ủng hộ sắc lệnh của Bộ trưởng Môi trường. Theo ông Rodrigo Duterte, thành phố Surigao - nơi có nhiều khu mỏ khai khoáng nhất cả nước không thể khôi phục lại môi trường như trước đây do hệ lụy khai khoáng ồ ạt gây ra.
Tuy nhiên, quyết định trên của Bộ trưởng Regina Lopez cũng nhận không ít tranh cãi, ngay trên chính trường Philippines khi sắc lệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 1,2 triệu lao động tại các khu mỏ. Giám đốc công ty mỏ tại tỉnh Zambales, ông Hendrik Martin nói chỉ còn 50 trong số hơn 1.200 công nhân còn đi làm và công ty buộc phải dừng mọi hoạt động, nhiều người đã bắt đầu tìm việc khác. Nhiều chỉ trích cho biết sắc lệnh sẽ gây tổn hại với nền kinh tế Philippines như nguồn thu thuế sụt giảm, giá niken trên thế giới sẽ gia tăng, cũng như cổ phiếu của các công ty khai mỏ Philippines sụt giá. Do đó, bà Regina Lopez nói rằng các công nhân mỏ sẽ kiếm được việc làm mới, trước mắt là trong việc tái hồi phục thiên nhiên ở các khu mỏ và trồng rừng. Chính phủ Philippines cũng cam kết sẽ đầu tư để giúp những vùng mỏ chuyển đổi sang hoạt động kinh tế khác như khai thác tiềm năng du lịch. Một số người tỏ ra nghi ngờ về triển vọng của kế hoạch trên khi các địa phương có khoáng sản luôn nằm ở những nơi xa xôi và kém phát triển. Do đó, phải mất một thời gian dài cho việc chuyển đổi trong khi nhiều người mất việc từ các mỏ khai khoáng phải chật vật với cuộc sống hiện tại.
QUỐC HƯNG