(QNO) - Là quốc gia thường xuyên gánh chịu những thảm họa thiên tai như bão lũ, động đất, núi lửa phun trào, Phippines sử dụng một trong những tàn tro của thảm họa đó để xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần chống chịu thiên tai.
Philippines là một trong những quốc gia trên thế giới rất dễ bị tổn thương do thảm họa thiên tai. Ảnh: Reuters |
Chính phủ Philippines lên kế hoạch xây dựng thành phố xanh, không ô nhiễm, chống chịu thiên tai. Thành phố mới này có tên gọi New Clark, nằm cách thủ đô Manila 100km về hướng bắc. Diện tích của New Clark khoảng 9.450 héc ta và sẽ có 1,2 triệu người sinh sống.
Philippines là quốc gia có vị trí nằm dọc theo vành đai bão và đường vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực thường diễn ra nhiều vụ phun trào núi lửa và động đất thuộc hàng mạnh nhất thế giới. Do đó, TP.New Clark được thiết kế có thể chịu đựng được tác động của bão, lũ lụt và động đất. Thậm chí, New Clark bao gồm các tòa nhà “dự bị” cho Chính phủ hoạt động trong trường hợp thủ đô Manila không chống chịu nổi thiên tai.
Vivencio Dizon - Chủ tịch Cơ quan chuyển đổi và phát triển cơ sở (BCDA), đơn vị giám sát New Clark cho biết một trong những điều quan trọng của dự án là hướng tới giảm thiểu ô nhiễm giao thông. Các khu vực rộng lớn của thành phố sẽ dành người đi bộ và một công viên với lối đi ven sông sẽ kết nối các công trình tiện ích xuyên suốt thành phố.
Ngoài việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng, sẽ chỉ có ô tô chạy bằng điện được lưu thông trên đường phố để giảm phát thải khí CO2. Các tiện ích công cộng sẽ sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, khí thiên nhiên hóa lỏng, các các cơ sở xử lý chất thải hiệu quả nhất sẽ được đưa vào hoạt động. Các tòa nhà sẽ được thiết kế sao cho hạn chế việc sử năng lượng. New Clark vẫn tiếp tục bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, cây xanh và giữ lại dòng sông của khu vực trước đó.
Dự án TP.New Clark kéo dài 30 năm. Ảnh: CNN |
Đặc biệt, các công trình, cơ sở hạ tầng của TP.New Clark sẽ được sử dụng vật liệu chính là dòng bùn đá (lahar) kết hợp với bê tông. Lahar là hỗn hợp đất đá vụn và nước, bắt nguồn từ sườn của một núi lửa. Khi núi lửa phun trào sẽ cuốn theo tro, bụi và trở thành bùn khi chảy xuống dưới chân núi. Để giảm thiểu tình trạng bị ngập úng, thành phố sẽ được trang bị nhiều hệ thống thoát nước và nhiều khu vực sẽ được để trống. Nhờ được bao quanh bởi một dãy núi gần đó, thành phố có thể tránh được những cơn gió mạnh do bão gây ra.
Toàn bộ dự án này dự phải mất 30 năm để hoàn thành với tổng kinh tế lên tới 14 tỷ USD, bao gồm cả vốn nhà nước và tư nhân. Trong đó, giai đoạn đầu tiên dự án sẽ tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Dự án đã được bắt đầu với một số hạng mục như khu phức hợp thể thao, các tòa nhà chính phủ và nhà ở cho nhân viên chính phủ, dự kiến sẽ đi vào hoạt động phục vụ một số sự kiện cho Đại hội thể thao Đông Nam Á tại Philippines vào tháng 12.2019.
Việc xây dựng thành phố xanh, ứng phó và chống chịu thiên tai được xem là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
NAM VIỆT