Phố bên sông…

THẠCH BÀN - HÀ SẤU 16/01/2022 04:58

Người ta vẫn thường nhắc nhau về những con phố nhỏ dọc theo bến sông - thường là những phố chợ với đủ đầy thức vị bản địa. Phố bến sông, vốn dĩ là di sản ẩn mình kín đáo của bản sắc đô thị…

Những vùng đất ở cuối dòng sông đang bừng thức... Ảnh: L.Q
Những vùng đất ở cuối dòng sông đang bừng thức... Ảnh: L.Q

1. Trong mạch chuyện về những đô thị Việt, PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục - Viện Nghiên cứu Định cư và năng lượng bền vững, với câu hỏi “phố Việt bắt đầu từ đâu”, thật bất ngờ khi ông cho rằng, khởi đầu phố Việt (phố chợ) sinh thành cùng các con sông, lưu thông bằng sông nước và đón hàng hóa từ vô vàn bến sông lên chợ sông, chợ làng.

“Phố Việt, với vô số khảo cứu để khẳng định: phố Việt gần với phố chợ - phố hàng có đặc trưng rất riêng, bắt nguồn từ những bến sông và gắn bó mật thiết với những làng nghề mở cửa hàng bán đồ ở kinh thành, phố thị” - ông Nguyễn Hồng Thục nói.

Điều ông Nguyễn Hồng Thục nói có thể nhận thấy ở các phố chợ hạ lưu dòng Thu Bồn. Riêng phố chợ Hội An còn có những góc nằm cuối dòng sông, để như chính những nghiên cứu khẳng định của cố GS. Trần Quốc Vượng, rằng Hội An là một cảng thị, một đô thị ở cửa sông và ven biển. Hội An là câu chuyện của bản sắc văn hóa gắn với cửa sông cửa biển. Những nếp sống vì thế cũng mang tính chất mở của vùng đất đặc biệt.

Ông Thái Tế Thông, ở hiệu ảnh Vĩnh Tân, từng kể với người viết về những buổi chợ phiên của Hội An, từ trước những năm 1930. Khi ấy, chợ kéo dài từ phía Chùa Cầu đến hết đường Bạch Đằng bây giờ. Chợ thu hút đàn ông đàn bà ăn bận tươm tất, là những tà áo dài và quang gánh... được người đàn ông này may mắn gom nhặt lại bằng ảnh.

2. Mô hình phố của người Việt là sự gắn kết thị dân truyền thống với nền kinh tế cảng thị sầm uất trên nền địa lý sông nước làm chủ. Ở thời kỳ thương mại biển phát triển thịnh hành trong quá khứ, vùng cửa sông xứ Quảng là điểm đến quan trọng trong hành trình hải thương quốc tế, từ kỷ nguyên thương mại sớm (khoảng trước thế kỷ 14) đến kỷ nguyên mậu dịch tơ lụa rồi kỷ nguyên chè gốm, sứ về sau này.

Có một số nhận định cho rằng, địa điểm giao thương sầm uất đầu tiên của thương thuyền quốc tế khi đến xứ Quảng bắt đầu từ vùng nam Hội An rồi qua biến thiên mới tiến dần về Hội An. Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, nếu nhìn một cách tổng quát khi so sánh những dòng sông lớn có nối liền với cửa biển ở miền Trung thì Cửa Đại với sông Thu Bồn là nơi có vị thế sông nước ưu việt nhất để thương thuyền từ bốn phương ghé đến lưu trú và buôn bán.

 

“Nước chảy chỗ trũng”, khi đã sở hữu tổ hợp tài nguyên biển, sông, sản vật trù phú thì chẳng cứ trung tâm Hội An, những điểm họp chợ trên bờ, dưới nước ở vùng cửa sông Thu Bồn cũng như các phân lưu có thể đã tồn tại đâu đó trong nhiều thế kỷ.

Nhiều di tích, di chỉ bến ven sông từ thời Chămpa đã được phát hiện tại Trảng Sỏi (phường Thanh Hà), Lăng Bà (xã Cẩm Thanh) cũng như các tác phẩm điêu khắc liên quan đến việc thờ tự của người Chăm còn sót lại ở lăng Bà Dàng, miếu Voi Hời, miếu Thần Hời… chứng minh cho việc cộng cư, giao thương ở đây đã diễn ra từ rất sớm.

GS-TS. Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, với các địa danh cổ như cửa Đại Chiêm, Trà Đình, Bàu Tràm (Chàm), Bàu Chó (Tró), Làng Cau (Lang Kau),… có thể xác định, từ trước thế kỷ 15 việc cư trú, buôn bán của người Chăm cũng đã diễn ra rất sôi nổi ở Hội An và vùng cửa sông Thu Bồn.

3. Sau mấy trăm năm, dấu vết của những điểm “phố chợ” trên còn rất mờ nhạt. Nhưng giá trị cốt lõi của dải đất cuối sông, đầu biển không thay đổi. Bên bờ Cẩm Thanh, cuộc sống đã chuyển hướng. Phía bên này, người ở Duy Hải, Duy Nghĩa đã ấp ủ cho riêng mình những câu chuyện về tạo lập sự nghiệp trên giá trị của bản địa. Và những dòng sông được lựa chọn để biến khát khao của người hai bên bờ này thành hiện thực.

 Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐTV Công ty Du Ngoạn Việt và Công ty Thuyền Sài Gòn cho rằng, những giá trị từ các dòng sông xứ Quảng là vô giá và đây là nơi có thể tìm được rất nhiều hướng khai thác cho các sản phẩm du lịch.

“Quảng Nam là xứ có nhiều sông ngòi cùng biển cả bao la. Tài nguyên thiên nhiên đã ảnh hưởng lối sống và suy nghĩ của cư dân bản địa. Những con sông uốn khúc và thuyền trăng luôn in vào tâm khảm cư dân. Biết tận dụng thế mạnh của sông ngòi là chọn phân khúc dễ phát triển để làm du lịch và nhiều câu chuyện xung quanh. Sông ngòi cho phép khai thác quanh năm, nhiều sản phẩm, nhiều kiểu làm du lịch hơn” - ông Phan Xuân Anh nói.

Do vậy, đánh giá đúng mức giá trị tài nguyên sông ngòi và tạo điều kiện thuận lợi xây dựng nhiều bến thủy nội địa dọc các dòng sông gắn với thành phố hay thị trấn là khuyến nghị được đưa ra từ các doanh nghiệp du lịch.

Cần có các chính sách đầu tư cởi mở, chính sách cho thuê đất ven sông và chính sách thuế hợp lý cho doanh nghiệp là những mong muốn mà nhiều người muốn dạm chân vào các vùng ven sông. Hình ảnh vàng son quá khứ sẽ lại khởi lên theo một cách nào đó. Dưới hừng nắng xuân, người ta mơ ngày dòng sông được đánh thức...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố bên sông…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO