Phổ biến, giáo dục pháp luật: Bám sát chuyển động đời sống

THÀNH CÔNG 18/10/2022 06:22

Nhiều đề án được ban hành theo chương trình phổ biển giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 đã góp phần tạo chuyển biến trong công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu, tuân thủ pháp luật.

Đoàn thanh niên tuyên truyền Luật Lao động cho đồng bào vùng cao. Ảnh: T.C
Đoàn thanh niên tuyên truyền Luật Lao động cho đồng bào vùng cao. Ảnh: T.C

Đi vào chiều sâu

Ông Đặng Văn Đào - Giám đốc Sở Tư pháp cho hay, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được các cấp, ngành, các địa phương chú trọng trong khâu chỉ đạo. Nhờ đó, từ tỉnh đến cơ sở, các hoạt động này liên tục đổi mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, kết hợp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Kết quả, đã tạo sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu và tuân thủ pháp luật trong công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, công tác PBGDPL trở thành hoạt động thường xuyên, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Tính đến 30.9.2022, các sở, ban, ngành đã tổ chức 25 cuộc tuyên truyền trực tiếp với 1.215 người tham dự; tiến hành cấp phát 11.540 tài liệu, tờ gấp; biên soạn, in 5.000 sổ tay tuyên truyền pháp luật lao động. Các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 890 cuộc tuyên truyền trực tiếp cho 90.115 lượt người tham gia.

Đồng thời tổ chức 75 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 8.172 lượt người tham dự; cấp phát hơn 71 nghìn tài liệu tuyên truyền các loại. Các xã, phường, thị trấn tuyên truyền qua trạm truyền thanh cơ sở 1.048 đợt, tuyên truyền qua phát thanh lưu động 531 đợt.

Đi cùng những chuyển động của tình hình kinh tế - xã hội, các nội dung tuyên truyền, PBGDPL đã được tập trung phổ biến, thông tin bám sát các nội dung, chính sách mang tính thời sự như chính sách pháp luật về phòng chống dịch Covid-19, các vấn đề an sinh như y tế, giáo dục, việc làm; pháp luật về gia đình, trẻ em và các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

“Các cấp, ngành đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến bám sát các vấn đề nóng, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau, cần định hướng dư luận. Bên cạnh đó, còn tập trung cho các nội dung về bảo đảm quyền con người, quyền công dân…

Hoạt động PBGDPL luôn gắn với xây dựng, hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật. Các văn bản luật mới được Quốc hội thông qua, những luật, nghị quyết và các văn bản chuyên ngành được từng sở ngành tổ chức tuyên truyền đầy đủ trong phạm vi, đối tượng của mình” - ông Đặng Văn Đào nói.

Hình thức tuyên truyền PBGDPL cũng liên tục được đổi mới, đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền. Các cổng/trang thông tin điện tử trở thành “cánh cửa” hữu hiệu để người dân tìm hiểu, tiếp cận, khai thác và sử dụng các văn bản thuộc nhiều ngành, lĩnh vực. Hoạt động tuyên truyền được linh hoạt lồng ghép tại các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng và các hình thức tuyên truyền khác như hội trại truyền thống, hội chợ quê, phiên tòa giả định…

Tương thích với đối tượng đặc thù

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho hay, hoạt động PBGDPL có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, tỉnh đã rất quan tâm, trong đó có việc bố trí đến hơn 4,1 tỷ đồng kinh phí phục vụ cho công tác PBGDPL năm 2022.

Thời gian tới, công tác tuyên truyền PBGDPL phải đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phù hợp từng đối tượng cụ thể, tương thích với tính đặc thù của địa phương, đối tượng tuyên truyền…

Các địa phương, đơn vị được chỉ đạo bám sát mục đích, vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền PBGDPL, là trách nhiệm của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị, xây dựng kế hoạch, đề án phù hợp, phục vụ mục tiêu đưa đường lối, chủ trương, chính sách vào cuộc sống.

“Công tác tuyên truyền, PBGDPL nên chú trọng vào các vấn đề dư luận quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp, cấp bách đến đời sống người dân. Hiện nay, vẫn có tình trạng trùng lắp về nội dung, đối tượng tuyên truyền, hoặc cách thức tổ chức chưa thực sự đáp ứng thực tiễn, thiếu tính thu hút, chưa phù hợp xu thế phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội. Hoạt động tuyên truyền văn bản luật chưa thường xuyên, liên tục, tủ sách pháp luật chưa phát huy hiệu quả tác dụng…

Thời gian tới, Hội đồng phối hợp PBGDPL cần mở rộng, ưu tiên địa bàn vùng sâu vùng xa, đối tượng đặc thù, tránh trùng lắp, tăng cường tuyên truyền trong nhà trường. Sở TT-TT phối hợp với Sở Tư pháp cùng các cơ quan thông tin tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tấn báo chí, mạng xã hội, ứng dụng Smart Quảng Nam…” - ông Trần Văn Tân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phổ biến, giáo dục pháp luật: Bám sát chuyển động đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO