Phố & chợ

PHÙNG TẤN ĐÔNG 22/05/2016 09:19

Ngày xưa những năm 30, 40 thế kỷ trước - trong tâm thức của các nhà văn, nhà thơ thì “trường huyện”, “phố huyện”, “chợ huyện”, “chợ tỉnh”… là khung cảnh “nửa quê, nửa phố”. Nguyễn Bính nhớ lại “học trò trường huyện ngày xưa ấy” có cảnh hết sức thơ mộng của “tôi và em”, rằng  “Những buổi học về không có nón/ đội đầu chung một lá sen tơ” (Trường huyện). Yến Lan năm 1972 sống trên miền Bắc nhắc nhớ về thị trấn An Nhơn (Bình Định) năm 1935… “đời phố huyện đìu hiu/ trăng tình lên ngơ ngác/ những vần thơ ban đầu/ từ bóng cô hàng xén/ đến tiếng vọng còi tàu/ không một lời hứa hẹn” (Uống rượu với bạn đồng hương). Hễ nhắc đến “phố” là nhắc đến “chợ”. Chợ ngày xưa là nơi tụ hội để buôn bán. Trong tâm thức “người làng” chợ là nơi tụ hội của nhiều hạng người “không chân quê” như “ở làng” và chính nơi “kẻ chợ” là nơi dễ làm thay đổi tâm tính con người vốn thơ ngây, trong sáng cho nên Nguyễn Bính cứ nghĩ, cứ lo “hôm qua em đi tỉnh về/ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (Chân quê)

Chợ quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Chợ quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Một sự lạ ở hầu hết đô thị ở nước ta hiện nay là “nạn họp chợ”. Một dãy phố, một khu phố vừa mới xây, quy hoach hạ tầng hẳn hoi, chỗ thì nhà trẻ, trường học, chỗ thì công viên, chỗ thì chợ để tiện sinh hoạt bán mua… Vậy mà, sâu trong các con hẻm, lâu ngày lại “nảy” ra một cái chợ cóc, chợ chồm hổm, cái thì đông chừng mấy giờ đồng hồ vào buổi sáng, cái thì đông vào lúc chiều đến chạng vạng, cái thì sôi động suốt cả ngày. Có nhà quản lý đô thị nào mà không đau đầu khi trên địa bàn mình quản mọc lên những cái chợ như vậy. Chợ tự phát nên nhà nước chẳng thu được đồng thuế nào (mà hễ thu thì mặc nhiên công nhận việc họp chợ là hợp pháp), chợ cóc, chợ tạm vừa mất vệ sinh an toàn thực phẩm vừa mất mỹ quan đô thị, lại thêm mất an toàn về giao thông, an ninh trật tự - bởi ngoài việc “ồn như cái chợ”, chợ cũng là nơi tụ bạ của đủ thành phần “lưu linh lạc địa”… Ấy vậy mà cái gì tồn tại thì đều có cái lý của nó. Chợ nào, trước hết cũng hình thành từ nhu cầu trao đổi hàng hóa thiết yếu giữa người với người từ thuở ban sơ. Những nơi thuận tiện giao thương đều từ “chợ làng” tiến dần lên thị tứ, thị trấn, thành nơi đô hội “trên bến, dưới thuyền” mà trong diễn trình lịch sử thương nghiệp nước nhà, những Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam)… là những đô thị tiêu biểu. Chợ phải gần khu dân cư, phải gần nơi cung cấp nguồn hàng (để dễ vận chuyển, để người mua mua gần với giá gốc, lại mua sản phẩm tươi, mới, ngon…). Chợ cóc nảy sinh từ nhu cầu ích dụng của các bà nội trợ, thích gần nhà, không tốn tiền gửi xe khi vô chợ lớn và đặc biệt thích được mua… trực tiếp từ người sản xuất “cây nhà lá vườn” vì cảm giác “rẻ” hơn ở chợ hay cứ tin - những người buôn bán nhỏ lẻ ở chợ cóc không phải tốn tiền thuế chợ, tiền thuê mặt bằng nên bán rẻ hơn…

Chủ trương “dẹp chợ cóc, chợ tạm” của chính quyền đô thị là đúng nhưng ngại nhất là cấm chỗ này chợ “bày” ra chỗ khác do chưa thực sự giải quyết bài toán ích dụng của người mua, kẻ bán. Làm thế nào để vừa bảo đảm chống thất thu nguồn thuế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị, trật tự trị an, vừa tạo công ăn việc làm của người dân - những người buôn bán nhỏ, sản xuất nhỏ, những người mà cả cuộc sống gia đình chỉ trông cậy vào việc “chạy chợ” như bà vợ nhà thơ Tú Xương “quanh năm buôn bán ở mom sông”?

Chợ như ở làng, ở quê - hiện là một “sản phẩm văn hóa” trong hoạt động du lịch ở những đô thị trên khắp cả nước. Nhiều nhà quy hoạch đã sớm “thất vọng” trong quy hoạch theo hướng “siêu thị hóa” ở các đô thị. Dường như trong tâm thức Việt - người xứ ta rất khó thích ứng với siêu thị trừ trường hợp bất khả kháng. Những phiên chợ vùng cao ở các thị xã, thành phố gắn với hội hè, những phiên chợ người bán ngồi xổm với rau, dưa, tôm, cá, những chào mời, cái cảm giác “người nhà” khi mua, bán và bao thứ thanh âm, sắc màu rộn rã khiến từ rất lâu rồi - biết bao người không cứ là nữ giới mà cả nam giới mắc chứng “ghiền” đi chợ.

Thật ngạc nhiên khi một địa phương cấp xã ở Quảng Nam,  chính quyền đô thị đòi “dẹp” một chợ tự phát bên đường liên xã bằng cách “kêu gọi” người dân phấn đấu đi thêm 2km nữa để đến buôn bán ở ngôi chợ cũ (vốn của một phường mới tách từ xã) thay vì đáp ứng kiến nghị của người dân là dành đất để xây một ngôi chợ mới vì dân số hiện tại đang tăng rất nhanh do khu vực này là khu tái định cư của việc giãn dân đô thị.

Chợ kiểu làng quê vẫn tồn tại rất lâu trong “văn hóa chợ” của người Việt. Vì vậy mà quy hoạch chợ truyền thống vẫn còn chỗ đứng trong các đô thị đang phát triển. Nhìn xa như ở nước Pháp - chính quyền vẫn duy trì những chợ phiên ở các địa phương theo mùa, luân phiên các điểm trong tuần theo lịch trình rõ ràng, chợ diễn ra hết sức ngăn nắp, gần thì Singapore - các điểm buôn bán tự phát vẫn duy trì theo đúng sự sắp xếp của chính quyền đô thị, gọn gàng và sạch sẽ.

Mà hẳn là rất đáng tiếc khi đến một nơi nào đó mà bạn không có thời gian “lội chợ” để tìm mua một món hàng, một thứ ”đặc sản”, “đặc hữu” - chỉ có địa phương này mới có.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố & chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO