(Xuân Giáp Ngọ) - Hội An, thương cảng quốc tế phồn thịnh một thời với nét đặc trưng “phố chợ”. Chợ là nơi giao thương hàng hóa và cũng là nơi giao lưu văn hóa để Hội An hôm nay có một bản sắc văn hóa riêng biệt. Nhà nghiên cứu văn hóa Hội An Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An đưa ra cái nhìn về phố chợ Hội An qua lịch sử…
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Minh.Ảnh: MINH HẢI |
Hội An từng là thương cảng quốc tế nổi tiếng của Đàng Trong, vậy chợ Hội An được hình thành từ lúc nào?
Chợ Hội An, từ đời Thiệu Trị (nguyên niên 1841) trở về trước, nằm ở khu vực đình Ông Voi hiện nay. Năm 1848, cư dân bản địa đã dời chợ về sát bến sông Bạch Đằng kéo dài lên trước mặt Chùa Ông để tiện việc buôn bán. Căn cứ theo tài liệu của Trần Kinh Hòa, khu chợ thuộc phần đất của bà Ngô Thị Lành, có mộ thiền sư Lương Huệ Hồng gần giếng mái, bà di dời mộ khỏi nơi đó để nhường xây dựng chợ. Từ đó, chợ Hội An được hình thành và phát triển mạnh cho đến ngày nay.
Có thể khẳng định gì về vai trò, sứ mạng của chợ Hội An nói riêng, thương cảng Hội An nói chung đối với thương mại, mậu dịch của Quảng Nam - vùng đất mở về phương Nam?
Đô thị thương cảng Hội An là trung tâm trung chuyển mậu dịch quốc tế, là cái “dạ dày” kinh tế của Đàng Trong một thời. Thương cảng Hội An vừa là cảng sông, vừa là cảng biển an toàn, rất thuận lợi trong giao thương. Thực tế, qua tài liệu và hiện vật khảo cổ, từ khoảng thế kỷ thứ 2 trở về trước, cư dân của nền văn hóa Sa Huỳnh bản địa Hội An đã có giao thương với thế giới bên ngoài, và chính cư dân Sa Huỳnh đã xây dựng cho tiền cảng thị Hội An. Thời kỳ Champa thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên cho đến thế kỷ 15, người Chàm đã sử dụng cảng này và xem là trung tâm để phát triển thương mại với tên gọi Lâm Ấp phố, đồng thời người Champa cũng quản lý cả vùng biển rộng lớn. Bản đồ cổ ghi tên gọi biển Champa, chứ không gọi biển Đông như bây giờ. Cư dân Champa rất giỏi đóng thuyền, trọng tải lớn đến 2 tấn, có thể chở 6 – 7 trăm quân thủy chiến.
Chợ Hội An. Ảnh: MINH HẢI |
Người Đại Việt sau thế kỷ 15 đến nửa đầu thế kỷ 19 đã kế tục thương cảng xưa của người Sa Huỳnh và người Champa để phát triển thành thương cảng Đại Việt. Thương cảng này là nơi giao thương, mậu dịch quốc tế rất hưng thịnh từ đầu thế kỷ 16 đến nửa cuối thế kỷ 19, thu hút thương nhân, thương gia từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đồ Nha...
Vào giai đoạn này, thương thuyền chở hàng từ nước ngoài đến buôn bán từ bốn đến sáu tháng liền tại Hội An. Phố Hội An trở thành chợ quốc tế và chợ Hội An là nơi hội tập hàng hóa từ các nơi về nhằm để xuất khẩu. Vì thế Hội An xưa có hai chợ, một mang tên chợ Hội An, hai là cả phố Hội An cũng là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Từ thế kỷ 17, lần đầu tiên chúa Nguyễn đã cho phép 2 kiều dân là thương nhân nước ngoài Nhật Bản và Trung Hoa được mở phố buôn bán. Đến thế kỷ 18, người Minh Hương được công nhận thần dân nước Việt, được hưởng chính sách như người dân Việt, được giảm thuế, đi thi, đi học, được lập những nơi thờ cúng… Người Minh Hương Hội An được tín nhiệm, cử giữ những chức quan trọng trong thương mại, ví dụ như ông Khổng Thiên Dư hay ông Chu Kỳ Sơn giữ chức cai phủ tổng, tức là cảng trưởng cảng Hội An. Họ có năng lực quản lý tàu thuyền và giao dịch thương mại rất nhạy bén, tinh tế… và chính hai ông này góp phần làm cho thương cảng Hội An phát triển hưng thịnh.
Thế kỷ 18 trở về trước, người ta gọi thương cảng Hội An là thương cảng thuyền buồm, vì tàu sử dụng sức gió là chính. Sau đó, do sự phát triển cơ khí, người ta dùng tàu hơi nước trong khi cảng Hội An bị bồi cạn dần thuyền lớn không vào được nên phải cập vào Đà Nẵng. Từ đây, cảng Hội An nhường vị thế giao thương hàng hải quốc tế cho Đà Nẵng, tuy nhiên Hội An vẫn là nơi hội tập hàng hóa để cung cấp cho thương cảng Đà Nẵng. Chính vì thế, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hàng hóa ở Hội An phong phú đến nỗi người Pháp ở các sở lục lộ đề xuất nạo vét sông Cổ Cò và làm đường sắt, kết nối Đà Nẵng với Hội An.
Có thể khẳng định rằng, đô thị thương cảng Hội An một thời có vai trò quyết định để phát triển trung tâm thương mại mậu dịch quốc tế hùng mạnh và góp phần tạo nên sự trù phú ở Đàng Trong. Thương cảng Hội An là cánh cửa mở giao lưu, giao thương với kinh tế thế giới. Đó cũng là nền móng để tạo nên tư duy rất cởi mở của người Quảng Nam.
Nét văn hóa của đất hội thủy, hội nhân, hội tụ văn hóa được thể hiện như thế nào qua diện mạo chợ Hội An và những giá trị nào cần bảo tồn, phát huy trong đời sống đương đại?
Vào thời kỳ phát triển thương mại, Cửa Đại có hai cửa, Đại Chiêm và Tiểu Chiêm rất sâu, phục vụ cho tàu thuyền trọng tải lớn ra vào dễ dàng. Đây là nơi sông Thu Bồn, Đế Võng gặp biển. Và Hội An còn có đầm Trà Quế, đầm Thanh Hà, đầm Trà Nhiêu; 3 đầm lớn bao quanh Hội An, hội thủy tại các đầm đó rồi nước mới ra biển Cửa Đại.
Trong quá trình phát triển, thương cảng Hội An trở thành nơi giao lưu theo đường nước từ khắp nơi, trong và ngoài nước… Khách Tàu, Nhật và phương Tây đến đây, có người chọn Hội An làm điểm dừng chân buôn bán, dựng nhà, lập phố, kể cả tạo tác những mối lương duyên. Do vậy từ giao thương kinh tế là chủ yếu đến giao lưu văn hóa, hội nhân và hội tụ văn hóa chính là đây. Và từ đó, Hội An thu nhặt, chắt lọc từ nhiều nền văn hóa rồi định hình văn hóa riêng của mình mà dấu vết còn lưu trong ẩm thực, phong cách, kiến trúc…
Bảo tồn văn hóa Hội An giờ đây gắn liền với phát triển du lịch. Do vậy chợ hay phố chợ Hội An cần xây dựng nếp sống văn minh, kế thừa và phát huy lối ứng xử văn hóa thị dân thương cảng vốn cởi mở tinh tế vừa mang tính hồn hậu của văn hóa làng truyền thống. Ở chợ Hội An xưa, các bà các chị nói thách không có nhiều, hàng hóa ai thích thì chọn mua không chèo kéo, mắng chửi. Chợ trong phố bình yên khi “nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu”. Vì vậy, du khách đến Hội An như trở về nhà, trở về với những giá trị thường hằng. Người dân của phố thị lo làm ăn để có đời sống sung túc hơn nhưng phải giữ chữ tín, cái nghĩa, cái nhân.
MINH HẢI (thực hiện)