(QNO) - Tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao (CNC) của hộ ông Phạm Đình Chương (thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) vào chiều qua 8.2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao mô hình này vì mang lại giá trị kinh tế lớn.
Mô hình nuôi tôm CNC của ông Chương là hướng đi mới mẻ, phù hợp với chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng thủy sản hiện nay.
Trên phạm vi 5ha diện tích ven sông Trường Giang, ông Chương đầu tư hệ thống nuôi tôm quy mô công nghiệp, bài bản, có đầu tư hệ thống xử lý môi trường gồm 8 ao chứa lắng, 2 ao tôm giống, 21 ao nuôi tôm thương phẩm. Nước lấy từ sông được lọc sạch bằng thuốc tím qua nhiều công đoạn ở các ao chứa lắng. Tôm giống đã được kiểm dịch, loại bỏ các yếu tố mầm bệnh mua về từ Công ty C.P được ông Chương nuôi qua 4 giai đoạn, chỉ dùng chế phẩm sinh học, không dùng kháng sinh, hóa chất, đáp ứng các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm để chế biến xuất khẩu.
Quy trình nuôi tôm của ông Chương hoàn toàn khép kín, loại bỏ các tác nhân gây bệnh, cho ăn tự động bằng thức ăn đảm bảo chất lượng nên qua cả 5 vụ thu hoạch, đều đạt năng suất, sản lượng cao. Đặc biệt, ngoài hệ thống sục khí tầng đáy và tầng mặt, ông Chương còn bố trí nhiều hệ thống cung cấp oxy đáp ứng nuôi tôm với mật độ cao (2.000 con/m2 ở giai đoạn 1, 300 con/m2 khi nuôi thương phẩm). Chỉ sau 90 ngày nuôi, tôm thương phẩm khi thu hoạch đạt cỡ 30 con/kg (250 nghìn đồng/kg), thu lợi gần 150 nghìn đồng/kg.
(CLIP) Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của hộ ông Phạm Đình Chương:
"Sau khi trừ chi phí, mỗi năm sản xuất 3 vụ, lợi nhuận thu được 20 - 35 tỷ đồng/năm" - ông Chương tính toán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, nuôi tôm thẻ chân trắng đạt kích cỡ 30 con/kg là dấu ấn lớn. HĐND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác như hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, trang trại, phát triển kinh tế tập thể... nên các chủ thể nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận vốn vay để tăng quy mô đầu tư, chuyên môn sâu nghề nuôi tôm nước lợ.