Việc bảo tồn các di tích kiến trúc cổ tại
|
Một vụ cháy trong phố cổ.Ảnh: Q.HẢI |
Áp lực bảo tồn
Quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An có hơn 1.390 di tích, bao gồm nhiều loại hình kiến trúc khác nhau. Cho đến nay, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản kiến trúc ở phố cổ Hội An đã được cả quốc tế và trong nước đánh giá cao với những giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn, trùng tu, tôn tạo. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - nguyên cán bộ Bảo tàng Quảng Nam, người nhiều năm gắn bó và nghiên cứu về kiến trúc cổ Hội An bày tỏ: “Hội An là nơi hội tụ rất nhiều kiến trúc cổ. Có kiến trúc của người Hoa, người Việt và cả người Nhật nữa. Vẫn còn ẩn chứa rất nhiều kiến trúc ở trong, đặc biệt là kiến trúc cổ; bây giờ, nhiệm vụ của con, của cháu, của các nhà khoa học phải nghiên cứu”.
Trên thực tế, những giá trị “không trùng lặp” của phố cổ đã và đang tạo nên “diện mạo” riêng có cho một Hội An phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế du lịch dựa trên nền tảng của những giá trị văn hóa nói chung, trong đó có nét độc đáo, đan xen rất nhiều phong cách kiến trúc của các nước phương Đông và phương Tây ở các loại hình kiến trúc nói riêng. Tuy nhiên, việc quy hoạch không gian và quy hoạch kiến trúc tại Hội An hiện đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo các nhà nghiên cứu, công tác quản lý, bảo tồn di sản Đô thị cổ Hội An trong xu thế phát triển hiện nay đang đặt ra khá nhiều yêu cầu cho chính quyền vì phải đáp ứng hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn với nhu cầu đời sống của cư dân địa phương. Nói cách khác, cần phải giải quyết dung hòa giữa bảo tồn giá trị di sản kiến trúc với phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều khó khăn
Nhiều khó khăn mà chính quyền cũng như những chủ nhân của di sản đang phải thường xuyên đối mặt. Đó là sự xuống cấp của di tích do niên đại khá lâu. Bên cạnh đó, do tác động của điều kiện tự nhiên, nhất là lũ lụt thường xuyên nên các di tích xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, số lượng di tích cần chống đỡ hằng năm trước mùa mưa bão lên đến hàng trăm; trong đó hàng chục di tích được khuyến cáo, thậm chí yêu cầu người dân phải di dời đến nơi khác để đảm bảo an toàn, cá biệt có trường hợp phải hạ giải khẩn cấp di tích để tránh nguy cơ bị sụp đổ.
Nguy cơ cháy nổ cũng thường trực, áp lực về phát triển du lịch cũng tác động trực tiếp đến công tác quản lý, bảo tồn di tích. Nhiều năm qua, tình trạng bán di tích vẫn còn diễn ra khiến một số di tích không còn nguyên vẹn “phần hồn” khi thay đổi chủ nhân và mục đích sử dụng, dẫn đến sự “rỗng hóa di tích”. Số phận của các di tích nằm ở vùng ven Hội An cũng ở trong tình trạng tương tự khi xu hướng “hoành tráng hóa” di tích kiến trúc đang có chiều hướng gia tăng. Di tích tín ngưỡng như miếu, lăng bị lấn chiếm, xâm hại; có di tích được cộng đồng dân cư bảo vệ, giữ gìn và đầu tư cải tạo thì lại bị “trẻ hóa”. Các ngôi chùa, thánh thất, nhà thờ trước đây có quy mô vừa phải, phù hợp với cảnh quan, con người Hội An, nay được đầu tư cải tạo, xây mới với quy mô, tầm vóc lớn hơn nhưng lại gây ra sự biến đổi giá trị, làm biến dạng di tích.
Trong khi đó, theo KTS.Võ Đăng Phong – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, việc “đóng băng” bảo tồn các giá trị kiến trúc, đặc biệt là di tích kiến trúc khu phố cổ Hội An, một di tích sống là trái với quy luật phát triển. Tuy nhiên, không vì vậy mà xem nhẹ giá trị di sản của tiền nhân, cho nên công tác bảo tồn di tích cần phải được chính quyền và cả người dân Hội An hết sức quan tâm. Còn với KTS. Phạm Phú Ngọc - cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, qua nghiên cứu thực tế đã đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm quản lý, bảo tồn có trọng điểm quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An, như sau: “Hiện nay ở khu phố cổ, nhà loại đặc biệt, loại I (xuống cấp) không còn nhiều nữa vì cơ bản những năm trước đây chúng ta đã sửa chữa nhiều. Ví dụ nhà đặc biệt còn trên 20 cái, nhà loại I thì trên 30 cái. Vậy với số lượng còn lại, chúng ta lập danh mục ưu tiên để bảo tồn. Trong quá trình bảo tồn sẽ nâng lên tính nghiên cứu để đưa ra các giải pháp mang tính khoa học hơn. Về lâu dài thì nghiên cứu về các mối quan hệ giữa lối sống hiện đại hiện nay với các không gian, để tạo ra một không gian sống phù hợp với con người của thế kỷ XXI, qua đó bảo tồn các giá trị truyền thống của ngôi nhà”. Với nỗ lực của chính quyền, sự hợp tác của các tổ chức, cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước, đặc biệt là ý thức của người dân Hội An trong việc gìn giữ di sản của tiền nhân, hy vọng quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới sẽ ngày càng được quản lý, bảo tồn một cách bền vững, từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống của cư dân đương đại.
QUỐC HẢI