Ký ức phố, đôi khi chỉ đơn giản là một hàng cây ven đường đã trồng rất lâu năm; là một cửa tiệm, một căn nhà, một con đường… trông có vẻ cũ kỹ. Nhiều khi, người ta nhớ đến một nơi, không vì những hào nhoáng nơi ấy có được sau này. Người ta nhớ, chỉ đôi khi vì những hình ảnh cũ kỹ gợi lại rất nhiều điều đã mất của mỗi người, trong nhịp điệu hối hả của phố thị. Và cũng thường, những cái mang màu hoài niệm dễ khiến người ta xúc động hơn. Thử đi, một tấm ảnh trắng đen, một mảng tường loang lổ, một căn gác gỗ, một hàng cừa xanh… dễ dầu để nhớ hơn là một dãy nhà phố mới, một con đường rộng thênh thang thẳng tắp với toàn những thứ sang trọng chưa từng hiển hiện trong hồi ức.
Tôi vẫn thường hằng nghĩ, mỗi vùng đất chỉ thực sự thú vị qua những lời kể của kẻ đi xa và những người già. Bởi trong giọng kể của họ, phố thị hiện lên bằng ký ức, bằng hình dung, bằng ấu thơ. Đô thị có ký ức, là đô thị có bản sắc. Có chăng, những mở mang, quy hoạch sau này, rất nhiều ký ức bị rơi vãi. Những ngã ba, ngã tư cất trong lòng nó nhiều câu chuyện dân sinh, mà cũng có thể, đó là câu chuyện một thời phố thị cần những lưu tâm. Đô thị văn minh, đô thị xanh, đô thị hiện đại… sẽ không khó để mỗi địa phương đạt được trong nay mai. Nhưng một đô thị có ký ức, thì không phải dễ.
Tôi và một người bạn tình cờ gặp nhau khi tìm câu chuyện ký ức trong nghề nghiệp, trong lối sống, trong kiểu cách ăn chơi của người Tam Kỳ thuở phố xá chỉ nằm một ngã ba Nam Ngãi. Vậy đó, cũng có thể gọi bằng ký ức thị dân… Để rồi cùng gặp nhau ở nếp nghĩ, liệu rằng năm, mười năm nữa, lớp người cũ qua đi, Nam Ngãi có còn được gọi tên khi người trẻ bây giờ thường chỉ biết đến ngã tư Trần Cao Vân - Phan Châu Trinh. Rồi cùng thiết tha, phải chi ở đó có một khu phố gọi là khu Nam Ngãi, để sau này ai hỏi đến tên còn có cớ mà kể, về một ngã ba.
Làm sao để định hình một đô thị có ký ức? Đó là một điều rất khó, đặt ra cho những người làm quản lý, những nhà quy hoạch. Trong hành trình phát triển, khó nhất là làm sao để vươn lên thật cao nhưng vẫn giữ gốc rễ thật sâu, có vậy thì mới là sự phát triển bền vững.
Và Tam Kỳ, có lẽ cũng cần một bước đi sâu bên những bước chạy, để tận dụng những ký ức đang tồn lưu ở mỗi góc phố, mỗi người dân. Thành phố như vậy, sẽ đỡ nhạt nhòa, sẽ từng bước, dù rất nhỏ, dựng nên cho mình một bản sắc phố thị.
Đô thị biết giữ ký ức, không phải là đô thị chậm phát triển.
Đủ niềm tin và hy vọng rằng trong quá trình đi lên của mình, người Tam Kỳ hiểu cần phải giữ lại những gì - ký ức cho ngày mai.
LÊ QUÂN