Phố cổ Hội An tết này đã lại chật kín người qua. “Mùa xuân mong ước” của ngành du lịch địa phương dường như đến rất gần, với nhiều dự báo trong Năm Du lịch quốc gia 2022 tại xứ Quảng. Bao câu chuyện cũ mới vẫn khiến những người yêu đô thị cổ này khắc khoải…
1. Phố cổ, hôm mùng 3 tết. Chiếc taxi chầm chậm lăn bánh giữa dòng người xe chộn rộn. Thấy chúng tôi có vẻ sốt ruột, anh Thu (quê Duy Hải, Duy Xuyên) trấn an: “Quẹo hết đoạn bảo tàng (Bảo tàng Hội An) thôi là rộng rãi rồi. Đây là còn đỡ chứ như tối hôm qua (mùng 2) là không nhúc nhích chi được luôn”.
Cánh tài xế taxi, vốn ngán ngẩm tắc đường, kẹt xe. Nhưng hôm nay hình như họ không cảm thấy khó chịu. Có lẽ đã quá lâu rồi, chính xác là phải tròn 2 năm, anh Thu cũng như những người khác mới lại được trải nghiệm cảm giác đó.
Năm 2022, Hội An đặt chỉ tiêu giá trị sản xuất đạt 4.209 tỷ đồng (tăng 9,18% so với năm 2021). Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt 1.426 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 2.500 tỷ đồng. Tạo việc làm mới cho 800 lao động.
“Năm rồi chắc ế lắm phải không anh?” - tôi dạm hỏi. “Còn phải nói nữa, đói meo. Nhiều ngày không có “cuốc” mô là bình thường. Cứ hình dung là năm rồi đến tiền đi đăng kiểm xe nhiều anh em cũng xoay không ra là biết khổ chừng mô” - anh Thu kể.
Chúng tôi cà kê với nhau thêm mấy câu chuyện về du lịch đến khi chuyến xe dừng lại cho khách đi thăm xuân. Non nửa tiếng sau, sực nhớ gọi lại để đi tiếp hành trình thì anh Thu xin thông cảm vì đã bận chở “cuốc” khác…
Năm 2020, Hội An kiến nghị tỉnh hỗ trợ 120 tấn gạo để cấp phát cho các hộ dân khó khăn. Đến năm 2021, con số này tăng lên hơn 180 tấn. Nói người dân ở đây thiếu đói thì không đến nỗi nhưng khó khăn chồng chất hai năm qua là thật.
Điều mà hầu hết người dân Hội An nghe ngóng và mong chờ là khi nào chính thức mở cửa du lịch quốc tế. Đến lúc đó thì họ mới thôi chật vật. Đêm giao thừa, từ đường Bạch Đằng nhìn sang bên kia sông, hàng quán ở An Hội hầu hết vẫn tối om.
Dịch Covid-19 bùng ra, ban đầu những người làm du lịch ở Hội An nghĩ chỉ mất là vài ba tháng tình hình sẽ ổn. Nhưng rồi thời gian khắc khoải trôi đi, nhiều doanh nghiệp đã chờ lâu đến nỗi… không thể chờ nổi. Số đông thì tạm đóng cửa, bi đát hơn thì phá sản.
Ông Vương Đình Mạnh - Tổng Giám đốc La Siesta Hội An Resort & Spa bộc bạch: “Mấy tháng nay khách khứa cũng có lai rai, nhưng thực tình là không ăn thua so với chi phí vận hành. Chúng tôi vẫn phải chấp nhận bù lỗ để mở cửa cầm cự”.
Ông Mạnh cũng như các doanh nghiệp khác buồn bã là bởi dù khách lưu trú có khá lên đôi chút thì phần lớn công suất phòng cũng chỉ quanh quẩn 10 - 20%, trong khi trước năm 2020 các khách sạn để gọi là cân đối vận hành thì công suất chí ít cũng phải được 40 - 50%.
2. Năm 2022, Hội An “khiêm tốn” đặt mục tiêu đón 400 nghìn lượt khách. Mục tiêu này còn thấp hơn mục tiêu đề ra cho năm 2021. Có lẽ thành phố vẫn còn lợn cợn trong dư âm của nỗi ám ảnh dịch bệnh.
Cũng phải, bởi năm ngoái thành phố có đến 12/20 chỉ tiêu không đạt, tất cả đều rơi vào các chỉ tiêu kinh tế - du lịch. Có chỉ tiêu thậm chí chỉ đạt vỏn vẹn chưa đến 20% so với kế hoạch như tổng lượng khách mua vé tham quan. Du lịch, đã gần như là toàn bộ nền kinh tế Hội An.
Đại dịch bùng phát, du lịch “đóng đầu tiên, mở sau cùng”. Nhưng nhìn lạc quan thì du lịch, nhất là du lịch Hội An có thể sớm bước vào “trạng thái bình thường mới” một cách nhiều khi không thể ngờ tới. Cứ như là lượng khách đổ về đô thị cổ trong mùa tết rồi.
Còn nhớ ở một kỳ họp HĐND thành phố năm ngoái, một số đại biểu hội đồng đã đặt vấn đề rằng chính quyền liệu có lạc quan về chỉ tiêu tăng trưởng cao 14,95% giai đoạn 2021 - 2025 không, trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Tôi khẳng định mức này không cao. Xuất phát điểm của năm 2020 và 2021, kinh tế Hội An giảm sâu so với những năm trước do giá trị sản xuất rất thấp.
Nhưng vào khoảng năm 2023 khi kinh tế phục hồi hoàn toàn thì lập tức giá trị sản xuất sẽ tăng vài chục phần trăm chứ không ít và sẽ có bước đột phá lớn so với hiện nay. Vì vậy chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng giai đoạn tới đặt ra như vậy trông thì cao nhưng thực chất không cao và khả thi”.
Kịch bản mà lãnh đạo TP.Hội An lạc quan và tiên liệu nhiều khả năng sẽ thành hiện thực bởi hạn chót mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra để mở cửa du lịch quốc tế trong cuộc họp đầu năm mới Nhâm Dần là 30.4 - 1.5.2022, kèm theo khuyến khích càng sớm, càng tốt. Hoạt động du lịch hai năm rồi bị ví như “lò xo” đang bị nén.
Trong dịp Tết Nguyên đán, khách nội địa đã chứng tỏ phần nào sức bung của “lò xo” khiến nhiều điểm đến trở nên quá tải. Và nhiều người đang chờ đợi cái lò xo sẽ bung mạnh mẽ hơn nữa khi hàng triệu khách quốc tế đã bị chùn chân trong suốt một thời gian dài cũng được bung ra. Và dĩ nhiên, rất nhiều trong số đó, một khi đặt chân trở lại Việt Nam sẽ tìm về với Hội An…
3. Năm mới, phố cổ nói hồi sinh thì chưa nhưng cũng đã chớm hằn nỗi lo cũ. Một ngày cả chục nghìn khách ùn ùn về. Người chen người, rác thải tràn lan, giá cả loạn xạ.
Bây giờ bàn chuyện này với những người kinh doanh trong phố cổ là điều viển vông. Thùng rác không phải ở đâu cũng có, khách thì vô tư đụng đâu vất rác đó, thành ra tới cuối ngày phố như “bãi rác”.
Tôi từng thấy hình ảnh quen thuộc lặp đi lặp lại khi những người dân trên đường Bạch Đằng vô tư hắt những xô nước thải xuống cống. Trước, sau khách khứa bước vội qua với cái nhìn ái ngại.
Một vị giám đốc công ty lữ hành kể: “Chừng đó mà kể vô, lúc nào thưa thưa khách thử dạo một vòng các con hẻm trong phố cổ mà xem. Không giữ vệ sinh thì thôi người ta còn tè vô tội vạ trong đó. Người có, chó mèo có. Lâu ngày nhiều chỗ hôi rình”.
Tréo ngoe một nỗi, Quảng Nam đang kỳ công hướng đến mục tiêu du lịch xanh. Mà Hội An được chọn là mô hình điểm để triển khai du lịch xanh. Chưa nói tỉnh sắp khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 cũng với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh”.
Ở cái thời hoàng kim của du lịch Hội An, mà nói còn khó, bây giờ “cơm, áo, gạo, tiền” đè nặng lên những người bán buôn, xem chừng để thay đổi nhận thức trong một sớm, một chiều là điều không dễ dàng chút nào.
Quãng nghỉ hai năm là quá dài cho một “giấc ngủ đông” của đô thị cổ, nhưng dường như là vẫn chưa đủ cho sự thích ứng, chuyển động các giải pháp căn cơ để khắc phục căn bệnh trầm kha do du lịch đem đến với di sản.
Phân luồng khách theo vé, khung giờ, thực hiện phố đi bộ Phan Châu Trinh, bãi đỗ xe trung chuyển khách vào trung tâm phố cổ… tất cả đều vẫn chưa thể triển khai.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay: “Câu chuyện tắc nghẽn giao thông ở Hội An là tất yếu thôi vì đặc thù của đô thị cổ. Phố đi bộ Phan Châu Trinh đáng ra Hội An đã làm lâu rồi nhưng vì dịch nên hoãn lại, sắp tới sẽ khẩn trương triển khai.
Về vấn đề phân luồng tuyến giao thông để giảm tải, trước mắt thì thành phố đang giao Phòng Quản lý đô thị tính toán. Căn cơ về lâu dài là các bãi đỗ xe để trung chuyển khách vào phố cổ; nay thành phố đang tập trung xúc tiến các bãi đỗ xe ở phường Thanh Hà, ngã tư Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng… Bên cạnh đó là một trung tâm đón tiếp du khách trong đó có bãi đỗ xe ở gần cầu Đế Võng”.
Tiếng còi xe hòa lẫn trong điệu nhạc ngày xuân như làm thức giấc Hội An, xua đi những nỗi buồn lê thê ngày cũ. Hôm nay phố lại hội rồi. Thôi thì cứ vui một chút đã, và tin rằng “Hội” sẽ đi liền với “An”…