Dù diện tích tự nhiên của thành phố vào khoảng mười nghìn héc ta, nhưng trong tôi, Tam Kỳ vẫn cứ bé như lòng bàn tay, phải chăng vì quá thân thuộc, đến từng ngóc ngách.
Thành phố bé nên sân ga Tam Kỳ cũng bé, như người bạn tôi ví von trong lần tiễn tôi lên tàu “sân ga nhỏ hơn một tiếng còi tàu”, rồi bóng bạn xa dần sau cánh tay vẫy, để lại trong tôi khoảng trống vô bờ trong toa tàu ngổn ngang người và hành lý.
Trước đây, đã bao lần tôi đón tiễn người thân và cũng được người thân đón tiễn ở sân ga nhỏ bé này. Trái ngược với niềm vui khi đón, tôi nghĩ chỉ những ai tiễn người đi hoặc được người tiễn đi mới cảm nhận được cảm giác trống vắng, mới thấy sân ga mênh mông như nỗi lòng người đi kẻ ở cho dù đó là đi đến miền đất hứa, đúng như kiểu “Buồn ở đâu hơn ở chốn này?” (Những bóng người trên sân ga - Nguyễn Bính).
Những năm tháng hay đi tàu, tôi thường chọn lên tàu ở ga Sài Gòn vào lúc trưa, để về đến ga Tam Kỳ lúc rạng sáng, đầy tỉnh táo sau một đêm ngủ trên tàu. Nhưng nào có ngủ ngon. Tàu đến ga Diêu Trì đã thấy thao thức, tới ga Quảng Ngãi thì tỉnh hẳn, cứ như thể mình chợp mắt một chút thôi là tàu vút qua khỏi ga Tam Kỳ.
Ừ, thì ga nhỏ quá mà. Tất nhiên không phải vậy, vì luôn có thông báo: “Tàu… sắp đến ga Tam Kỳ, hành khách vui lòng chuẩn bị sẵn sàng tư trang, hành lý…”. Nhưng đó là vì cảm giác hồi hộp sắp gặp lại người thân và gặp lại “quê hương” mà dù chuyến đi ngắn hay dài ngày, thì vẫn luôn có cảm giác đợi chờ. Xuống sân ga thể nào tôi cũng nhìn quanh một lượt, như thói quen, rồi mới cùng người thân xách hành lý rời ga.
Nhiều năm rồi, sau tết này tôi mới trở lại ga Tam Kỳ. Ga Tam Kỳ bây chừ không còn sạp bán báo nơi phòng chờ. Có thêm vài thứ mới hơn một chút so với trước kia. Còn lại vẫn như vậy. Nhỏ và lặng lẽ. Có chộn rộn chăng là lúc tàu vào ga. Người xuống người lên đôi chút nhộn nhịp.
Rồi tàu rời đi, sân ga lại buồn như vốn dĩ. Khác hẳn vẻ nhộn nhịp của ga Diêu Trì (Bình Định) hay ga Nha Trang (Khánh Hòa). Lần tiễn đưa này, bạn tôi bảo, chuyến tàu đưa bạn xa nhà khiến bạn lắc lư, bồng bềnh, bồn chồn, khắc khoải, xa vắng, bâng khuâng..., dù đây là lần xa nhà “thứ n” của bạn.
Khác những lần trước, tôi nghĩ, vì những thay đổi khi đi tàu thời dịch bệnh. Đứng ở sân ga tiễn bạn đi, tôi cũng chênh chao theo. Chia tay bạn, tôi bước vội ra sân ga bé nhỏ, mà vẫn chưa rời đi được, bởi còn chờ đoàn xe tải dài ngang qua tuyến tránh quốc lộ và vẫn còn nghe vẳng tiếng còi tàu. Ừ, thì sân ga nhỏ nơi phố nhỏ của tôi mà, nhỏ hơn cả một tiếng còi tàu…