“Quất” xong tô phở sắn, mới công nhận lời đồn chẳng sai, rằng có dịp đi ngang qua thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) mà không ghé làm tô phở sắn ở quán chị Hòa, thì hỏng!
Phở sắn. |
Hôm bữa ghé quán chị, cũng là sự tình cờ, dù đã được bạn bè “lưu ý” từ trước. Số là hôm ấy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Thành Chương rủ lên thực hiện bộ ảnh về phở sắn cho tạp chí Heritage đã “đặt hàng”. Cả hai chạy xe lên tới nơi, thì trời đã gần trưa! Chạy trúng phóc một nhà vẫn còn làm phở sắn theo phương thức thủ công, xin chụp. Cô chủ nhà vui tính gật đầu. Lần hỏi, té ra, cái công cuộc làm phở sắn ôi sao mà vất vả. Và để từ sắn ra thành sợi phở, là một loạt công đoạn mà mới nghe qua, đã phải lắc đầu xuýt xoa.
Quần quật hơn cả tiếng đồng hồ. Bụng đói cồn cào. Nhớ những gì được mách trước, tạt vào quán chị Hoa. Trời trưa đứng bóng, thay cho lời chào, vừa hỏi vừa… sợ: “Còn phở sắn chớ chị hè?”. Cái gật đầu “cái rụp” của chị, làm hai thằng sướng rơn người. Trong khi chúng tôi tìm chỗ ngồi, thì chị quay trở vào trong, lấy một lượng phở sắn khô vừa đủ để bỏ vào nước lạnh ngâm. Vài phút sau, chị vớt ra, vẩy cho ráo nước rồi bỏ vào tô. Xong chị cho nước và cá lóc kho vào, tất nhiên là với một lượng vừa đủ. Tiếp đến, chị rắc mấy hạt đậu phụng, rồi rải ít hành lá xắt nhỏ lên tô phở trước khi mang ra cho khách - là chúng tôi.
Kèm theo mỗi tô phở sắn, là đĩa rau sống cùng bánh tráng gạo nhiều mè. Cái làm nên điều đặc biệt của tô phở sắn chị Hoa, chính là món cá lóc kho nghệ để làm nước ăn phở. Chị Hoa cho biết, trước khi kho, chị ướp cá rất lâu để gia vị thấm sâu vào trong từng thớ thịt của cá; rồi rim lửa vừa vừa để thịt cá chín đều. Tất nhiên, bí quyết để làm nên nước nhưn cá lóc tuyệt hảo kia, phải kể đến công phu thêm thắt gia vị của chị. Tiếc là không tiện để hỏi thêm điều đó. Quay trở lại với… tô phở sắn, để tận hưởng hết cái sự ngon, cần phải ăn trước khi sợi phở nhũn ra. Thỉnh thoảng bẻ miếng bánh tráng chấm vào nhưn rồi nhai, hay cắn thêm miếng ớt hiểm, mới cảm hết sự tuyệt vời mà tô phở sắn chị Hoa mang đến.
XUÂN THỌ