Sau thời vắng lặng quá lâu vì đại dịch, những rộn ràng trở lại phả hơi thở mới trên từng ngả đường cũ ở phố cổ Hội An. Thức dậy sau một quãng nghỉ dài, phố đón đưa thêm bao bàn chân lạ bằng nụ cười quen ấm trên những mặt người…
1. Bạn tôi đã trở lại công việc của mình: quản lý một nhà hàng trên phố cổ. Suốt hơn hai năm dài, kể từ khi hàng quán đóng cửa vì đại dịch, bạn đã trôi dạt với đủ thứ nghề, thậm chí phải tìm sinh kế bằng gánh xôi nơi vỉa hè.
Bạn nói, hơn ba mươi năm lớn lên từ trong lòng phố, chưa bao giờ phố cổ buồn đến như vậy. Những ngày có dịch, mọi thứ đóng băng, nhớ những gót chân giẫm lên con đường cũ len lỏi trong lòng phố.
Những cánh cửa khép nằm im ỉm chờ. Thứ hiện diện nhiều nhất và mới nhất, là những bảng cho thuê nhà, sang quán. Buồn nhất, vẫn là những gương mặt người. Biết bao phận số đã bám víu các ngả đường, sống từ nguồn thu du lịch và dịch vụ.
Những lái xe xích lô, gánh hàng rong, các quầy hàng ăn uống bám lấy vỉa hè theo cuộc mưu sinh biến mất khỏi lòng phố. Con đường Trần Phú dẫn lên Chùa Cầu, các tuyến đường ngang dọc trong lòng phố cổ vốn chật kín người, vắng lặng còn hơn cả thời Hội An chưa gắn tên mình với danh hiệu di sản văn hóa thế giới…
Tôi ngồi với họa sĩ Trương Bách Tường tại một quán cà phê nhỏ gần Chùa Cầu. Phòng tranh - quán cà phê của anh đã đóng cửa kể từ khi dịch bùng phát. Chưa có ý định tìm kiếm một mặt bằng khác để mở cửa trở lại, anh trở thành một người nhặt chuyện lang thang trong phố, tranh thủ ngày phố vắng để tìm lại người xưa, gặp gỡ và lắng nghe.
Anh bắt gặp nhiều tiếng thở dài, theo con ngõ hun hút vì thưa vắng, phả nỗi lo của cư dân phố cổ. Đại dịch mang đến một cuộc biến động chưa từng thấy trong đời sống của phố. Chưa từng thấy và chưa ai từng nghĩ đến. Nhưng rồi, như một quy luật, cư dân của phố đã tìm cách thích nghi để tồn tại.
Dù không mấy thoải mái với những xoay xở chật vật, nhưng họ đã chờ đợi. Trước đó, có không dưới hai lần, họ chưa kịp khấp khởi mừng vui đón những người khách phương xa đến thăm, đã lại phải tự tay mình đóng cửa, treo bảng ngừng phục vụ…
2. Qua rồi im vắng. Niềm vui có thể đã nhân lên nhiều lần, khi du lịch có những dấu hiệu phục hồi ấn tượng kể từ giữa năm, sau khi Quảng Nam đăng cai Năm du lịch quốc gia. Chờ đợi quá lâu, nên cũng dễ hiểu cho sự vui mừng của cư dân phố, khi họ không phải phấp phỏng chờ “lệnh phong tỏa” ban bố để phòng dịch như năm kia, năm ngoái nữa.
Thống kê mới nhất cho thấy, khách du lịch đến Quảng Nam đã tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng gấp 6 lần. Dòng người bắt đầu nêm kín phố cổ.
Sự dừng lại, hay chính xác hơn là sự lùi lại của phố trong suốt mùa dịch, là cơ hội để thích nghi. Từ vỉa hè đến những resort hạng sang, đều phải tự hình thành cơ chế để tồn tại. Những cái khó lộ diện và đang được tích cực tìm cách “gỡ”: nhân lực và nguồn khách từ các thị trường trọng điểm.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, trong ngày lễ và các dịp cuối tuần, công suất lưu trú ở các cơ sở lên đến 80 - 100%, là tín hiệu tích cực cho thấy sự hồi sinh, không chỉ ở phố cổ mà còn tại các vùng lân cận.
“Nhiều chương trình kích cầu chất lượng đang được phối hợp triển khai, chú trọng đến thị trường khách nội địa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang tích cực khắc phục lỗ hổng về nhân lực sau đại dịch, đáp ứng dần dần nhu cầu phục hồi” - ông Hồng nói.
Chưa qua hết những áp lực, nhưng như nhiều chuyên gia phân tích, “trong nguy có cơ”, sự chững lại của dịch vụ - du lịch đối với thị trường khách ngoại đang tạo điều kiện để tìm kiếm nhân lực chất lượng cao, đủ thời gian để đào tạo nhân sự mới nhắm vào phân khúc khách “ngoại”.
Từ nơi phố, dòng người trở lại càng củng cố niềm tin cho những nhân lực rời đi, rằng đây là lúc họ có thể thoát khỏi phấp phỏng lo lắng của thất nghiệp, an tâm quay về với ngành nghề du lịch - dịch vụ.
Cách ứng xử với nhân lực du lịch cũng sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn, quan tâm đến tài năng bản địa bằng chính sách khuyến khích thành tựu nhân viên. Nhu cầu cân bằng giữa công việc, cuộc sống, sức khỏe tinh thần của người lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao để phục vụ du lịch, bắt đầu được xem trọng…
Phố vui, từ ngay phía vỉa hè. Người bạn của tôi cũng chung niềm vui ấy, khi xếp lại gánh xôi của mình, trở về với không gian sang trọng của một nhà hàng nơi phố cổ, phục vụ và đón nhận những nụ cười.