(QNO) - Sáng 10.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của tỉnh về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Tại buổi làm việc Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản (KTKS) trái phép trên địa bàn. Tùy theo mức độ vi phạm có thể áp dụng xử lý hình sự.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: VINH ANH |
Buổi làm việc có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Phải xử lý hình sự vụ việc nghiêm trọng
Nhiều vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc, trong đó thu hút sự quan tâm nhiều nhất vẫn là chuyện KTKS. Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Nam hết sức quan tâm đến vấn đề quản lý KTKS và rừng. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; trong đó tăng cường trách nhiệm, vai trò quan trọng của xã, huyện. Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Nam đạt 55%. Tỉnh thực hiện đóng cửa rừng từ những năm 2000; đến nay đã thu hồi 1.700ha, tổ chức trồng hơn 1.300ha rừng thay thế bị ảnh hưởng bởi thủy điện.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường khi tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ, quyết định cấp giấy phép khai thác, chế biến khoảng sản ở địa phương nào cần phối hợp chặt chẽ với địa phương đó để đánh giá toàn diện các tác động, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống xã hội, an ninh trật tự và dự báo các vấn đề có thể phát sinh… Điều này cũng nhằm tránh tình trạng sau khi đã cấp phép nhưng tổ chức, cá nhân được cấp hoạt động kém hiệu quả, tác động xấu đến quá trình phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và trật tự của địa phương. Đồng thời kiên quyết đình chỉ hoạt động của các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản. Bộ Tài nguyên và môi trường cần sớm khoanh định và công bố những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để tỉnh cấp phép, quản lý, hạn chế khai thác trái phép.
Theo Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Giám đốc Công an tỉnh, hiện nay các cơ quan chức năng bỏ ra nhiều công sức truy quét KTKS trái phép nhưng việc chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính khiến cho tính răn đe không cao. Vì vậy, trong trường hợp nào đó, tùy vào mức độ vi phạm cần phải áp dụng xử lý hình sự đối với người KTKS trái phép. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, vấn đề KTKS trái phép tồn tại lâu nay khiến địa phương vất vả trong việc truy đuổi, xử lý. Nhưng cũng có những mỏ KTKS được chính quyền cơ sở bao che để tồn tại. “Đối với việc KTKS trái phép, việc xử lý hình sự không có trở ngại, cần phải xử lý người cầm đầu. Tội này không quy định xử phạt hành chính, mình áp dụng sai pháp luật lại bảo khó xử lý. KTKS trái phép gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (yếu tố để xử lý hình sự - PV) sờ sờ ra đó, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên, mất an ninh trật tự, chết người… Luật pháp không thiếu, nguyên nhân là việc nghiên cứu, áp dụng luật không đúng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VINH ANH |
Doanh nghiệp khai thác vàng nợ thuế: Buộc nộp đầy đủ
Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp khai thác vàng nợ thuế, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, đến 31.5.2016, tổng số tiền nợ thuế chưa thu hồi được của 2 Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu hơn 430,7 tỷ đồng. Đối với Công ty Vàng Bồng Miêu, đã hết giấy phép hoạt động từ ngày 5.3.2016, việc xin gia hạn giấy phép của công ty này đã không được Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam chấp nhận. UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Vàng Bồng Miêu dừng khai thác. Trong khi đó, tỉnh cũng đang chờ Cục Thuế trả lời việc Ngân hàng CP Việt Á đứng ra xin bảo lãnh trả nợ thuế trong vòng 12 tháng cho Công ty TNHH Vàng Phước Sơn có đúng theo quy định pháp luật hay không. Nếu việc bảo lãnh trả nợ thuế đúng quy định, có thể bắt đầu từ tháng 8.2016 tỉnh sẽ xem xét để Công ty TNHH Vàng Phước Sơn tái hoạt động sản xuất. Được biết, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đang nợ 334 tỷ đồng tiền thuế.
Về việc nợ thuế của 2 doanh nghiệp khai thác vàng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị phải kiên quyết xử lý và buộc doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ rồi mới xem xét cho tái sản xuất. “Nếu doanh nghiệp khai thác vàng chưa nộp thuế và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì dứt khoát phải đóng cửa mỏ. Các nước phát triển họ giữ gìn tài nguyên rất chặt, còn mình thì bao nhiêu khai thác hết, khai thác đến thế hệ con cháu không còn gì. Cho dù đã nộp thuế nếu muốn được phép hoạt động trở lại phải đảm bảo về môi trường. Các bộ, ngành liên quan và tỉnh cần có nghĩa vụ thẩm định thật kỹ rồi mới cấp phép trở lại cho những doanh nghiệp khai thác vàng” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu làm rõ việc ngân hàng xin bảo lãnh trả nợ thuế cho Công ty TNHH Vàng Phước Sơn. Việc bảo lãnh không thể nói chung chung mà phải xem xét về chế tài, trách nhiệm của ngân hàng trong việc trả nợ thuế, về thời hạn trả nợ, hình thức xử lý nếu không nộp thuế đúng hạn…
VINH ANH