Sáng 16.10, đoàn công tác kiểm tra khắc phục bão lũ Trung ương do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại huyện Đại Lộc. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND Lê Phước Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cùng đi với đoàn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và tặng quà cho người dân bị thiệt hại ở huyện Đại Lộc. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Theo báo cáo của huyện Đại Lộc, mặc dù đã tập trung chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống với tinh thần chủ động, quyết liệt ngay từ đầu, nhưng do cơn bão số 11 quá lớn, đổ bộ vào địa bàn huyện trong thời gian dài kèm theo mưa to gây lũ trên sông Vu Gia và Thu bồn nên đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bão số 11 làm hơn 3.500 ngôi nhà và nhiều trụ sở cơ quan bị xiêu vẹo và tốc mái, hư hỏng. Trên 650ha chuối, hàng trăm héc ta cây lâm nghiệp bị ngã đổ hoàn toàn, hơn 50ha rau màu các loại bị hư hại và trên 6.000 con gia cầm bị chết… Ngay sau khi cơn bão đi qua, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự phối hợp với lực lượng xung kích tại các địa phương triển khai nhanh việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả nhằm ổn định đời sống nhân dân. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến những nơi bị thiệt hại nặng của huyện Đại Lộc, thăm và tặng quà cho những hộ bị thiệt hại nặng, gia đình chính sách. Đối với tuyến kè Quảng Huế bị mưa lũ gây hư hỏng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục gia cố, không để nước sông xâm thực, đảm bảo an toàn cho những hộ dân ven sông.
* Sau khi thị sát tại huyện Đại Lộc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp do bão số 11 gồm Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP.Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả bão số 11. Theo đó, toàn tỉnh có 3 người chết và 6 người bị thương, trên 21 nghìn nhà cửa bị tốc mái, trong đó có trên 5 nghìn ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn; 66 phòng học bị tốc mái, 290 nhà bị sập, ngã đổ… Bão lũ cũng làm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở các địa phương vùng trũng bị sạt lở, hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện bị sạt lở, cây cối ngã đổ hoặc bị ngập nước gây ách tắc giao thông như tuyến ĐT 615, ĐT 616, QL14 E… Trong cơn bão vừa qua, đã có trên 34.000ha cây công nghiệp và cây lâm nghiệp bị ngã đổ; hơn 5.000ha rau màu các loại bị ngập nước. Bão lũ cũng làm 47 chiếc ghe thuyền bị chìm và hư hỏng. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 493 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đánh giá cao nỗ lực của đơn vị quản lý các hồ chứa, công trình thủy điện trong công tác PCBL, đặc biệt là thủy điện A Vương đã phối hợp khá tốt với chính quyền địa phương trong việc điều tiết xả lũ. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng kiến nghị với đoàn công tác của Trung ương về giải pháp khắc phục các tuyến kè trên địa bàn, đặc biệt là kè ở Hội An và sông Quảng Huế đã bị sạt lở nặng, gây nguy hiểm cho người dân.
Sau khi nghe các địa phương và ban ngành báo cáo tình hình thiệt hại cũng như công tác khắc phục bão lũ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao công tác chuẩn bị PCLB rất nghiêm túc và khắc phục nhanh hậu quả do bão lũ gây ra của các địa phương. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các địa phương trước hết tập trung hơn nữa cho công tác khắc phục bão số 11, nhất định không để dân đói, dân đau, bệnh tật, phải đảm bảo môi trường để hoạt động xã hội được bình thường; gạo, thuốc chữa bệnh cho người dân phải được ưu tiên hàng đầu. Các địa phương phải huy động hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ người dân, đặc biệt là khắc phục các công trình phục vụ sản xuất. Ngoài ra, việc điều tiết xả lũ của các công trình thủy điện trên mỗi địa phương cũng cần có phương án phù hợp hơn. Đối với các công trình kè ở Quảng Nam, cần sớm thẩm định về các hạng mục, quy hoạch để tranh thủ nguồn vốn trong và ngoài nước tiến hành đầu tư xây dựng…
NGUYỄN DƯƠNG
|