Sáng qua 21.8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trên cả nước tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự. Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, lãnh đạo Sở GD-ĐT, các sở, ban, ngành của tỉnh và phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố tham dự hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, năm học qua, toàn ngành đã triển khai thực hiện khá tốt 9 nhóm nhiệm vụ cơ bản và 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó kết quả nổi bật là cả nước tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu phát triển. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo được quan tâm. Tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Về nhiệm vụ năm học mới 2017 - 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung là quy hoạch mạng lưới giáo dục, trong đó quan tâm đến cơ sở đào tạo giáo viên; chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới có hiệu quả; đẩy mạnh công tác tự chủ của các trường đại học.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương kết quả đạt được trong năm học qua, đáng chú ý như hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi; đã xây dựng chương trình tổng thể giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29; đổi mới kỳ thi THPT và tuyển sinh, bước đầu có kết quả tích cực; ý thức đổi mới giáo dục trong toàn xã hội và nhân dân. Đồng thời chỉ ra 5 bất cập cần khắc phục trong thời gian tới, gồm quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập, nhiều điểm còn cứng nhắc; vẫn còn không ít kỳ thi mang bệnh hình thức, không vì học sinh mà vì người lớn. Chậm triển khai chương trình sách giáo khoa; chưa chú ý đến dạy người; tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ nhiều nơi. Thừa sinh viên sư phạm trong khi vẫn đào tạo chỉ tiêu lớn. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần tập trung chỉ đạo dạy người, rèn luyện từ cấp tiểu học, làm thực chất, thiết thực hơn nữa để học sinh được giáo dục toàn diện, phát triển nhân cách, nhân văn bên cạnh trí tuệ. Đổi mới quản lý nhà nước về GD-ĐT, không cầm tay chỉ việc. Tăng cường tự chủ các cơ sở giáo dục, mạnh dạn bãi bỏ các quy định cứng nhắc. Về triển khai chương trình giáo dục mới, các địa phương không thể vì lý do chưa đáp ứng điều kiện trường, lớp để lùi thời gian thực hiện mà phải vào cuộc quyết liệt với tinh thần khẩn trương nhưng phải có chất lượng.
X.PHÚ