Phố trong tiếng tò he

NHƯ TRANG 16/04/2018 11:00

Từ bao đời nay, nhiều thế hệ người dân khối phố Nam Diêu (phường Thanh Hà, TP.Hội An) cần mẫn nhào nặn đất sét và chế tác nên những con tò he, góp phần tạo nên hồn phố níu chân người…

Chị Nguyễn Thị Thu Sương phơi tò he trong nắng trưa.  Ảnh: NHƯ TRANG
Chị Nguyễn Thị Thu Sương phơi tò he trong nắng trưa. Ảnh: NHƯ TRANG

Đất nặn tò he

Rảo bước vào làng gốm, không khó để tôi tìm cho mình góc nhỏ bên lò nung ở sát mé sông. Từ đây, nghe gió mát mơn man trên má, tiếng lá rụng xào xạc xen lẫn tiếng gàu ai đó múc va vào thành giếng, rồi cả tiếng nước rót từ gàu vào thau đất sét thô. Ông Nguyễn Xê vừa chẻ củi bỏ vào lò nung tò he vừa kể, cùng với nghề làm gốm, người dân khối phố Nam Diêu thường nặn tò he thổi vui tai mỗi giờ nghỉ giữa trưa. Lúc đầu, tò he chẳng có hình thù rõ ràng mà chỉ gọn trong cục đất sét hình vuông, hình tròn, khoét lỗ ở phần giữa và phần đuôi để phát ra âm thanh. Mãi về sau, du lịch phát triển, khách đến thăm làng gốm tỏ vẻ thích thú với tiếng “te te”, lúc này những nghệ nhân gốm mới bắt đầu chế tác ra tò he với hình thù 12 con giáp, con cá, con rùa, con ếch…

Người Nam Diêu chừng như luôn ánh lên niềm tự hào về nét đẹp văn hóa chẳng thể tách rời trong những kỷ niệm về phố cổ. Hẳn vì niềm tự hào ấy, người trong xóm làng có nhiều cách truyền lửa nghề cho lớp trẻ. Hầu hết nhà nào có trẻ con cũng đều cho học cách nhào nặn đất sét, làm tò he dù ít hay nhiều, miễn sao phải khắc ghi hình ảnh con tò he trong tâm tưởng.

Nói đến cách làm tò he, ông Xê liền chỉ tay về phía đống đất sét ở cuối đường làng rồi nói: “Nguyên liệu chính để làm ra tò he đất cũng giống như làm gốm, đó là loại đất sét nâu dọc sông Thu Bồn. Ngày xưa, người ta thường lấy ghe thuyền chở đất về làng. Nhưng nay nhà nào nhà nấy đều chung góp thuê xe, chở về một điểm tập kết rồi phân chia cho nhau”. Đất sét thô để lâu dưới nắng rất khô cứng, đòi hỏi người thợ phải biết cách nhận biết loại đất và xử lý qua nhiều công đoạn. Ở làng này, ai cũng biết đổ nước rấm đất sét, xén đất rồi ngâm, rong đất, dùng chân đạp đất cho thật nhuyễn. Nếu đất chưa đạt độ dẻo thì khi nặn tò he không bám đất hoặc ướt quá lúc nung sẽ phát ra tiếng nổ trong lò. Chính vì thế, quá trình làm đất sét rất kỳ công. Nhiều cụ già trong làng bảo nhau: “Sự chịu thương, chịu khó của chúng tôi cũng từ cục đất sét mà ra!”. Nhìn con tò he nhỏ bé nom chừng làm dễ dàng lắm, bắt tay vào nhào nặn mới thấy có biết bao cái khó. Khó nhất là cách vẽ hoa văn làm sao đó cho con vật thực sự có hồn, khoét lỗ thổi thật tròn giúp tiếng kêu phát ra âm thanh cao vút.

Thổi hồn vào đất

Tự bao giờ, người dân khối phố Nam Diêu sống chỉ để giữ cho mọi ngóc ngách trong làng mình luôn phát ra thanh âm “te te”. Hơn 20 năm nay, kể từ ngày gác tay không làm gạch ngói, vợ chồng ông Phan Văn Thu và bà Hoàng Thị Năm chuyển sang nghề nặn tò he đất. Nhịp sống của đôi vợ chồng lặng lẽ trôi theo cục đất sét, cứ vợ ngồi nặn ra sản phẩm, thì chồng vuốt láng rồi vẽ hoa văn. Mỗi ngày, ông Thu và bà Năm làm 100 con tò he bán sỉ với giá 3.000 đồng/con cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học. Thỉnh thoảng làng tổ chức thi nặn tò he, ông Thu và bà Năm lại có dịp trổ tài và đúc kết thêm kinh nghiệm cho bản thân. Họ bảo nhau rằng, nghề này đã ăn sâu vào bàn tay và cả nghĩ suy; bởi khi nhào nặn món tò he là trăn trở để nghề không bị mai một.

Lại nhắc về duyên chồng vợ gắn với con tò he đất, tôi ngồi tập nhào nặn đất sét và nghe chị Nguyễn Thị Thu Sương kể duyên đời. Quê chị ở Đăk Lăk, đến Hội An làm việc thì đem lòng yêu thương anh Ngụy Phúc làm nghề nặn tò he đất. Hơn 2 năm nay, chị Sương về làm dâu cũng là ngần ấy năm chị nhờ chồng dạy cho cách làm tò he. Người dân trong làng ai cũng quý mến cặp vợ chồng trẻ siêng năng, chịu khó. Tận dụng vốn ngoại ngữ, họ còn mở cửa hàng nhỏ trước nhà để giới thiệu du khách nét đẹp văn hóa làng mình. Chị Sương chia sẻ: “Tôi bôn ba làm rất nhiều nghề, nhưng chưa thấy nghề nào bình yên như ở nhà chồng tôi. Cứ sáng ngồi nặn đất sét, trưa mang sản phẩm đi phơi, chiều ra lò nung rồi đón chút gió cuối ngày”. Cuộc sống trôi qua bình lặng là thế, hèn gì bao nhiêu con người khối phố Nam Diêu luôn gắn chặt tuổi đời, tuổi nghề với tiếng tò he dặt dìu. Trong họ luôn ánh lên niềm tự hào về nét đẹp văn hóa chẳng thể tách rời trong những kỷ niệm về phố cổ.

Hẳn vì niềm tự hào ấy, người trong xóm làng có nhiều cách truyền lửa nghề cho lớp trẻ. Hầu hết nhà nào có trẻ con cũng đều cho học cách nhào nặn đất sét, làm tò he dù ít hay nhiều, miễn sao phải khắc ghi hình ảnh con tò he trong tâm tưởng. Dịp hè, các lớp tò he thiếu nhi được mở ra, hình ảnh những đôi tay nhỏ xinh thoăn thoắt nặn hết con trâu đến con chó, con gà… khiến du khách ghé thăm phải ngỡ ngàng. Đẹp và ý nghĩa nhất có lẽ là khoảnh khắc cả xóm nhỏ chìm trong ráng chiều. Lúc này, trẻ em ngồi bên lò nung sát mé sông canh lửa, đọc vè và chờ đợi sản phẩm đưa ra bán ở các tuyến đường phố cổ. Mùa nắng làm tò he công đoạn nào cũng dễ dàng, trôi chảy là thế. Nhưng hễ vào mùa mưa, người nặn đất đối mặt với bao lận đận. Đất nhão ra, quá trình xử lý đất đã lắm nhọc nhằn, khi nặn thành phẩm càng khó khăn hơn bởi phải quạt để tò he cứng, rồi nướng lò than cho khô trắng mới đưa vào lò nung. Có như thế, lửa của làng nghề mới luôn rực sáng, và hơn cả là hàng cung ứng cho thị trường du lịch không đứt đoạn.

NHƯ TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố trong tiếng tò he
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO