(QNO) - Chiều 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật Thanh tra (sửa đổi).
Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái, Bình Dương), đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục góp ý nhiều nội dung nhằm hoàn thiện các dự thảo luật.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung một số quy định tại Điều 1 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Cụ thể, đại biểu cho rằng tại khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 4 tổ chức và thẩm quyền thành lập, giải thể các tòa án nhân dân cần bổ sung một khoản quy định về tiêu chí để thành lập, giải thể tòa án nhân dân khu vực, đó là: “Việc thành lập, giải thể tòa án nhân dân khu vực phải dựa trên các tiêu chí cụ thể, bao gồm số lượng vụ án trung bình hàng năm, dân số khu vực, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, và các yếu tố liên quan khác, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết”.
Tại khoản 6, Điều 1 dự thảo luật quy định bổ sung Điều 49a về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu đề xuất thêm một khoản quy định “Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao phải hoàn thành việc xem xét và giải quyết vụ án trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thụ lý, trừ trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định”. Quy định như vậy nhằm tăng cường đảm bảo hiệu lực, hiệu quả tư pháp, tránh kéo dài thời gian xét xử các bản án, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Tại khoản 25, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 128, để tăng cường công tác đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động của hội thẩm nhân dân trước khi tái bổ nhiệm, đại biểu đề xuất bổ sung một khoản vào điều này. Cụ thể đó là: “Trước khi tái bổ nhiệm, hội thẩm nhân dân phải được đánh giá về hiệu quả hoạt động, bao gồm mức độ tham gia xét xử, năng lực xét xử và việc tuân thủ thực hiện pháp luật, theo quy định của chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, chánh án tòa án nhân dân khu vực”.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng về cơ bản Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định liên quan đến hệ thống viện kiểm sát nhân dân, không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Những nội dung sửa đổi, bổ sung của luật đã thực hiện đúng theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về tinh gọn bộ máy.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (Điều 1), đại biểu đề nghị: Tại khoản 1, Điều 68 dự thảo luật quy định “Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân khu vực do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”, nội dung này là chưa rõ, còn thiếu nội hàm, gây khó hiểu. Đề nghị bổ sung cụm từ “bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức” vào phần sau khoản 1 điều này để hoàn thiện ý nghĩa điều khoản luật.
Theo đó, viết lại là: “Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân khu vực do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định”.