Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đang triển khai kế hoạch lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Vinh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh xung quanh công tác tổ chức lấy ý kiến góp ý theo kênh của Quốc hội. Ông Trần Xuân Vinh cho biết:
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - ông Trần Xuân Vinh. |
Ngày 28.12.2012, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ở địa phương các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan, đơn vị. Thời gian tổ chức lấy ý kiến đến hết ngày 31.3.2013.
Việc lấy ý kiến nhân dân nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng, góp phần làm cho Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân; thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân. Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, có tác dụng giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc xây dựng và thực thi Hiến pháp.
- Trong lịch sử lập hiến Việt Nam, đây là lần sửa đổi thứ 5, cũng là lần sửa đổi toàn diện, cơ bản, quan trọng nhất. Ông có thể sơ lược một số nội dung cơ bản của dự thảo lần này?
Ông Trần Xuân Vinh: Lịch sử lập hiến Việt Nam đã qua 4 lần sửa đổi, với 4 bản Hiến pháp (Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 - được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001). Mỗi bản Hiến pháp gắn liền với một giai đoạn lịch sử cách mạng của dân tộc.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 11 Chương, 124 Điều. Tức đã giảm 1 Chương, 23 Điều; giữ nguyên 14 Điều; sửa đổi, bổ sung 99 Điều và bổ sung 11 Điều mới. Có thể nói đây là lần sửa đổi bổ sung toàn diện nhất, cơ bản nhất, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài. Nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Hiến pháp sửa đổi lần này tiếp tục khẳng định bản chất, mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh, Hiến pháp năm 1992. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Báo Quảng Nam mở chuyên mục “Góp ý sửa đổi Hiến pháp” Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Báo Quảng Nam mở chuyên mục “Góp ý sửa đổi Hiến pháp” nhằm tạo diễn đàn cho rộng rãi bạn đọc, mọi tầng lớp nhân dân có thêm một kênh để chuyển tải ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Chuyên mục được mở trên nhật báo Quảng Nam và báo Quảng Nam điện tử, kéo dài đến ngày 31.3.2013. |
Dự thảo khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Dự thảo nêu ra các vấn đề về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một trong những nội dung quan trọng cần lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo là vấn đề tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân...
- Để cử tri và nhân dân tham gia góp ý với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Xuân Vinh: Nghị quyết số 38/2012/QHXIII ngày 23.11.2012 của Quốc hội đã nêu rõ: Các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thu thập, nghiên cứu ý kiến đóng góp của cử tri để chuẩn bị cho việc thảo luận, thông qua Hiến pháp tại kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đơn vị có liên quan trong việc triển khai lấy ý kiến góp ý của nhân dân, các ngành, các cấp ở địa phương vào dự thảo.
Với tinh thần đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tích cực tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề để lấy ý kiến góp ý; lắng nghe được những đóng góp tâm huyết của công nhân, nông dân, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các chuyên gia, các nhà khoa học... Qua các buổi tiếp xúc sẽ giúp cho các đại biểu Quốc hội có tầm nhìn tổng quan, để khi góp ý vào dự thảo Hiến pháp sẽ truyền tải ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Để việc lấy ý kiến có ý nghĩa thực chất, quá trình này phải tiến hành thận trọng, khoa học, công khai, dân chủ. Đặc biệt, ý kiến của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác; được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
- Lộ trình lấy ý kiến nhân dân từ nay đến ngày 31.3, trong đó có thời gian đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ, theo ông liệu có ảnh hưởng đến chất lượng lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo?
Ông Trần Xuân Vinh: Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng, việc lấy ý kến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là trách nhiệm lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Sau Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), trong bối cảnh đất nước muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng bản Hiến pháp năm 1946 đã được thông qua. Đến bây giờ, không vì bất cứ lý do gì khiến chúng ta có thể sao nhãng nhiệm vụ chính trị đặc biệt này. Với tinh thần yêu nước, trách nhiệm của công dân, kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, tôi tin tưởng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài... sẽ hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để sửa đổi, bổ sung, xây dựng Hiến pháp của đất nước thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
- Xin cám ơn ông !
XUÂN NGHĨA (thực hiện)