Phố và ký ức

TÂY BÌNH 31/07/2022 12:30

Mùa hè này, hồ sen trong phố gần khu tôi ở không còn rực rỡ như những năm về trước. Thay vào đó, một phần hồ đã dần được lấp đầy bởi đất đá. “Con không thích hồ sen bị lấp đi, làm cho hồ sen không còn lấp lánh”. Lời con trẻ khiến người lớn bỗng giật mình. Cái lấp lánh ấy có lẽ chất chứa cả những ưu tư khác của cư dân phố thị. 

“Đồi hóa” ao hồ nơi phố thị. Ảnh: T.B
“Đồi hóa” ao hồ nơi phố thị. Ảnh: T.B

Nắng đã đổ lửa xuống mặt đường. Xưa ngang cung đường nhỏ ven sông Bàn Thạch, lòng bỗng được an ủi bởi hương thơm dịu nhẹ và những đẹp đẽ từ mùa sen dâng tặng. Hè năm nay, những tiếc nuối cứ nối nhau theo những vòng xe. Những năm gần đây, Tam Kỳ đã được nhận diện trên bản đồ ngập úng đô thị. Sau đợt ngập lụt lịch sử, nhiều hội thảo đánh giá hiện trạng và tìm giải pháp “trị thủy” cho phố đã được đặt ra.

Trong đó, các chuyên gia nhận định, thành phố đã xây dựng các hạng mục kè sông, hồ điều tiết nước và để các công trình này phát huy hiệu quả cần đầu tư đồng bộ, khớp nối hạ tầng kỹ thuật. Như vậy, vai trò của hồ điều hòa đã được xác định trong quy hoạch, phát triển đô thị ngay từ đầu. Thế nhưng qua thời gian, ao hồ tự nhiên và cả nhân tạo đều thu hẹp dần.

Hồ điều hòa, công viên, cây xanh được xem là linh hồn của phố. Nhìn khối lượng đất đá để lấp đầy một cái hồ, dễ chừng người ta phải bứng cả một quả đồi chở xuống phố. Những hoán đổi ấy, dẫu là sự tính toán để tạo không gian công cộng, cũng đã tác động, thay đổi không nhỏ đến tự nhiên.

Chợt mấy câu thơ trong “Thương hoài thương hủy” của nhà thơ xứ Quảng Nguyễn Lãm Thắng cứ bày ra trước mắt: “Nói ông biết, quê chừ, đau rát rạt/ Sông chết rồi, nước cạn xịt, đục câm/ Núi trọc lóc, núi cúi đầu, xơ xác/ Ngó ráng chiều, như ngó rạch dao đâm”.

Mặt trái của việc tốc độ đô thị hóa quá nhanh, tất nhiên sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Với thành phố đang phát triển như Tam Kỳ, điều này khó tránh khỏi. Thế nhưng, làm sao để tạo sự cân bằng, hạn chế thấp nhất những tác động trong quá trình ấy là bài toán khó. Những dời đổi quá nhanh cũng làm phai mờ ký ức đối với mỗi người, nhất là người trẻ lớn lên trong phố...

Tôi tự thấy mình may mắn, khi tuổi thơ tôi lớn lên cùng ruộng đồng cây cỏ. Bao năm xa quê, tôi về lại vẫn cánh đồng, bờ tre tỏa bóng. Và dù quê nhà có đổi thay với đường sá rộng mở, thì gốc rễ ký ức luôn hiện hữu để những đứa con ly hương bám níu giữa bon chen phố thị.

Rồi mai dòng sông nhỏ soi bóng phố có còn, để nuôi nấng ký ức trẻ thơ mà lớn lên, thành người: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người” (“Quê hương” - Đỗ Trung Quân)...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố và ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO