Hình như dưới cơn mưa dông ầm ào vừa ghé qua phố thị đan xen cả khoảnh khắc êm dịu của buổi giao mùa lẫn chỉ dấu về một mùa mưa triền miên, nỗi lo đã cận kề.
Mưa ngang phố thị
Cơn mưa dông rào rạt lũ lượt ghé đến các thành phố báo hiệu mùa mưa triền miên miền Trung sắp trở lại. Cơn mưa ngang qua tưới mát từng góc phố, nếp nhà đang quay quắt trong tháng ngày khô hạn.
Lời thì thầm của mưa thậm chí còn tăng thêm sức hút cho đô thị và gây thương nhớ với nhiều người. Nhiều người từng gắn bó với Huế hay Hội An ắt hẳn sẽ không cảm thấy phiền toái nếu một ngày nào đó trở lại thành phố này đúng lúc phố xá giăng kín những cơn mưa.
Ngồi một góc quán quen bên sông Hoài nghe mưa rơi rả rích hay chầm chậm bước qua cầu Trường Tiền nhấm nháp hoài niệm xưa cũ là những trải nghiệm lạ lùng mà chỉ ai đã từng gắn cùng phố và mưa mới thẩm thấu được.
Mưa về mang dòng nước chữa lành cho tâm hồn của thị dân, của phố thị vốn gồng gánh nhiều bức bối, thương tổn trong vòng xoáy đô thị hóa. Khi những cơn mưa ở phố thân quen đến mức có thể đoán định được thời điểm mà nó ghé thăm, người ta dần tìm cách tương tác, thích ứng với mưa.
Cách đây hơn 10 năm, Huế đã từng có định hướng phát triển dịch vụ tham quan gắn với mưa Huế. Và thế là đi dạo dưới mưa, ngắm mưa, nghe mưa không hẳn là một ý tưởng điên rồ.
Với Hội An, Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững cũng từng đề xuất hệ thống sản phẩm du lịch có thể khai thác từ giá trị của “mưa - bão - lụt”. Cụ thể là sử dụng công nghệ GIS để quản lý mức độ ngập lụt và quy hoạch thiết kế tuyến điểm tham quan phù hợp, an toàn; tổ chức tour du lịch chung tay bảo vệ đô thị di sản, khám phá cảm giác mạnh, sẻ chia với cộng đồng trong thiên tai dành cho thị trường khách du lịch mạo hiểm và có trách nhiệm; thiết kế các không gian mang chủ đề về mưa - lụt để du khách có sở thích cảm nhận giá trị tinh tế của mưa…
Thấp thỏm cùng mưa
Mới vài hôm trước, cơn mưa chiều ầm ào trút xuống nội thành Đà Nẵng. Chỉ trong 1 - 2 tiếng đồng hồ, nhiều góc phố Đà Nẵng lênh láng nước. Niềm vui “giải nhiệt” ngắn chẳng tày gang, xe cộ bì bõm trong giờ tan tầm, nhiều hộ dân có nhà trũng thấp nơm nớp mong mưa thôi nặng hạt.
Nhiều cư dân thành phố này vẫn chưa thôi ám ảnh về đận ngập tháng 10 năm ngoái và cứ mỗi khi mưa to trút xuống, sự thấp thỏm ấy lại dấy lên bội phần. Và tự lúc nào, đến thị dân cũng đã phải “trông trời, trông đất, trông mây” để đặng còn kịp chuẩn bị nếu có sự cố.
Biến đổi khí hậu đang khiến những cơn mưa trở nên cực đoan hơn. Minh chứng là tổng lượng mưa trong tuần mưa đỉnh điểm của đận lụt lịch sử năm 1999 đạt hơn 2.000mm; còn chỉ trong 6 tiếng đồng hồ chiều 14/10/2022 lượng mưa tích lũy ở Đà Nẵng có điểm đã vượt 700mm, rất khó để các hệ thống xử lý có thể tải được lượng nước khổng lồ này.
Đà Nẵng không là ngoại lệ, cũng trong trận mưa lịch sử năm ngoái, nhiều xe cộ đã phải chật vật tìm đường thoát khỏi “biển nước” ở nhiều tuyến đường nội thị Tam Kỳ, Hội An… Và thị dân ở khắp nơi đang lo âu liệu rằng những cơn mưa lịch sử như vậy có đến với tần suất dày hơn trong tương lai, hoặc ngay mùa mưa đã cận kề.
Nhưng đâu thể chỉ là chuyển dịch của tự nhiên, bao mạch nguồn của phố đã bị biến động trước quá nhiều tác động của xã hội. Vài năm gần đây, ứng phó ngập úng đã trở thành câu chuyện được nhiều chính quyền đô thị sốt sắng thảo luận, hành động chứ không đợi đến mùa mưa, Đà Nẵng hay Tam Kỳ là những ví dụ.
Điều này minh chứng hiểm họa ngập úng đã âm thầm rình rập ở khắp các ngõ phố, bất kể là đô thị cổ hay đô thị mới, dù là mật độ xây dựng còn thấp hay đã dày đặc. Phải chăng vòng tuần hoàn của mưa ở phố như bao mùa xưa cũ đã bị phá vỡ.
Nước mưa không tìm được đường ra sông, ra biển, hòa vào đất mà mắc kẹt lại cùng phố. Và khi đó, mưa không chỉ mang đến cảm giác dễ chịu mà còn bao trùm lên phố bao phiền toái và âu lo…