Trong tiến trình đô thị hóa, quá trình cộng cư diễn ra theo chuỗi các hình thái: Làng - phố - đô thị và siêu đô thị (như ngày nay). Ở nước ta, xem xét diễn trình từ làng lên đến thị thì phố là một hình thái chuyển tiếp giữa hai hình thái, thiết chế ấy.
Kiến trúc nhà trong khu phố mới Đồng Hiệp (Hội An) mang nhiều nét “giả cổ”. Ảnh: T.T.Thư |
Phố ra đời kế sau những thành lũy, thủ phủ, chợ và bến. Thường thì phố xuất hiện sau khi có thành lũy, thủ phủ - trung tâm hành chính nên việc sắp xếp nhà cửa tương đối có quy củ, khác với phố chợ, phố - cảng thị, phố - bến sông vốn là chốn “đô hội”, cộng sinh các ngành nghề, hàng hóa trao đổi… nên cư dân tụ hội đông đúc, luôn có cảnh trên bến dưới thuyền tạo ra những phức hợp nhà/cửa hàng, kho/bến đặc trưng… trước khi chuyển tiếp thành đô thị. Những đô thị miền Trung luôn có một không gian, cấu trúc, kiến trúc phố kéo dài hàng trăm năm ít thay đổi là do bước chuyển tiếp đặc thù như vậy. Thoạt tiên là hai dãy nhà liền kề trên một đoạn đường, dần dần nối dài ra, đến một khoảng cách hạn định nào đó bất tiện cho giao lưu hàng hóa thì dựng thêm những dãy phố phía sau, bởi sự co cụm, tập trung như vậy dễ cho giao thương, buôn bán, sinh hoạt phường/hội kiểu “buôn có bạn, bán có phường”. Từ đó các dãy phố dạng “bàn cờ” hình thành, các dãy phố thông nhau bằng các ngõ/hẻm là các lối đi… Phố cổ Hội An, các thị trấn Vĩnh Điện, Ái Nghĩa… hay phố cảng Thanh Hà - Bao Vinh (Huế) có một diễn trình mà đời phố kéo dài ứng như vậy. Cho đến tận hôm nay, những người nặng lòng hoài cổ vẫn thích không gian Hội An mãi là “phố cổ” hay “phố cũ” chứ không muốn danh xưng “thành phố” (đô thị) vì sợ mất đi một không gian hoài niệm, một nơi chốn tìm về…
Căn bệnh đô thị “to đầu” và “phố mặt đường”
Diễn trình hình thành phố với những đô thị ven sông, ven biển là như vậy nhưng với những đô thị gắn với đường bộ thì khác. Việc hình thành những kiến trúc hành chính hay dân dụng bám theo trục đường chính (quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã…) luôn nảy sinh sự mất cân đối của đô thị về mặt cấu trúc bởi căn bệnh “trương nở kiến trúc” khu trung tâm mà giới nghiên cứu cho là căn bệnh “to đầu” khi các kiến trúc vây quanh khu hành chính hay thương mại “mặt tiền/mặt đường”. Hiện trạng này dẫn đến cách ví von rằng kỷ lục “đường phố dài nhất Việt Nam” là quốc lộ 1A - con đường mà nhiều xã, huyện, tỉnh thiết lập các trung tâm hành chính, các phố chợ, kho tàng, bến bãi, các khu công nghiệp, các khu sinh hoạt văn hóa, giáo dục… và căn bệnh “to đầu” luôn là thách thức cho những nhà quy hoạch đô thị hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (sinh thái, văn minh, văn hóa…). Song hành với sự phát tác của bệnh “to đầu” là kiến trúc tự phát của “nhà phố mặt đường”. Chưa bao giờ các kiến trúc cơ quan (hành chính, kinh tế, xã hội, dân sự…) thể hiện đa dạng, “nhiều hình lắm vẻ” như thời hiện tại.
Phố mặt tiền/mặt đường dù có tuân thủ quy hoạch đô thị ở những quy định về quy mô kiến trúc (chiều cao, mật độ xây dựng…), hình thái kiến trúc, công năng sử dụng (loại hình sử dụng: nhà để ở/để vừa ở vừa kinh doanh/sản xuất; biệt thự, nhà nghỉ, khách sạn, homestay, resort…) nhưng khó khăn nhất của việc quản lý đô thị là việc định hướng, định dạng kiểu thức kiến trúc, nhất là kiến trúc mặt tiền. Nhiều kiến trúc “giả cổ” một cách máy móc, thô thiển bên cạnh những kiểu thức lai tạp, kém thẩm mỹ như nhà mái chóp, mái củ tỏi, củ hành, nhà mái đầu hồi tam giác (pronton) xếp đôi, xếp ba trồi sụt song song, nhà mái Thái (dốc đứng), nhà nửa dưới kiểu cổ nhưng có mái mansart (hình bát úp), nhà nửa ta, nửa Tây - nửa hiên có hàng cột, mái dốc, nửa buồng lồi mái bằng, mái vòm cuốn, sử dụng hệ lam ngang dọc không phù hợp với tỷ lệ, nhà giả mái cổ, cổng cổ với mái giả kiểu chim chào mào… Chưa kể phần trang trí các logo gia huy, chim đại bàng, gà trống Gô-loa, hoa lá kiểu tân cổ điển, baroque (hoa mỹ kỳ cục)…
Vài đề xuất
Những dãy nhà phố mặt tiền được xem là đẹp luôn nhờ chủ nhân (chủ đầu tư) có nhận thức thẩm mỹ cao khi lựa chọn kiến trúc sư hay nhà tư vấn giỏi biết dung hợp giữa cái cổ/cái cũ - cái bản sắc và những kiểu thức/công năng mới của kiến trúc hiện đại, nhất là với những dãy phố nằm ở khu vực đệm - vùng chuyển tiếp giữa khu phố mới và khu phố di sản cần bảo tồn nghiêm ngặt. Chính vì sự phát triển bảo đảm độ hài hòa, tương thích với không gian kiến trúc chung nên các đô thị cần hơn bao giờ một bản quy hoạch giàu bản sắc văn hóa kiến trúc bản địa được định hướng trong từng đơn vị kiến trúc, kể cả với nhà ở dân dụng
Ngành quản lý xây dựng đô thị ở các địa phương cần khắc phục tư duy “chia lô”, nhất là với các dự án “đổi đất lấy hạ tầng” bởi diện tích mặt tiền mỗi đơn vị kiến trúc quá hẹp (thường không quá 5m) dễ dẫn đến khó khăn cho việc lựa chọn kiểu thức kiến trúc mặt tiền ngôi nhà cùng với việc hình thành dãy nhà mặt phố kém thẩm mỹ bởi kiểu thức kiến trúc đồng dạng, liền kề, hay những dãy nhà hộp, nhà ống hết sức đơn điệu, khép kín…
Những nhà đô thị học hôm nay luôn nhắc đến cảm quan rằng “nơi ở” của thị dân trong các đô thị hiện đại không phải là nơi chỉ để ở/sinh hoạt hằng ngày mà là “nơi chốn” – với hàm nghĩa nơi ở là những đơn vị kiến trúc trong tổng thể kiến trúc mang “đời sống tinh thần”, “giàu bản sắc”, hiểu như mỗi căn nhà, mỗi góc phố ấy có ký ức “đời nhà”, “đời phố” trong mỗi đời người… Trong tương lai, chính quyền đô thị cần tạo ra một thiết chế để cùng với nhà đầu tư, chủ hộ bàn bạc, trao đổi, lựa chọn một khung thiết kế kiểu mẫu “đa dạng trong thống nhất” cho nhà mặt phố theo quy hoạch loại hình/công năng hướng đến một đô thị văn minh, xanh - sạch - đẹp…
PHÙNG TẤN ĐÔNG