Phố xa…

VŨ TRƯỜNG ANH 28/12/2021 12:48

(QNO) - Tả ngạn sông Tam Kỳ là thành phố trẻ tràn trề nhựa sống; hữu ngạn là phong cảnh hương đồng gió nội phảng phất lời ru… Xưa kia, cả hai đều cùng chung một huyện lỵ. Huyện lỵ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Xa hơn là Hà Đông, sau nữa là phủ lỵ Tam Kỳ. Gần mà xa, xa mà gần. Chiều chiều, vẳng nghe khúc hát sông quê vọng từ bên kia sông ấy, mà nhớ bên này bao nỗi diết da…   

Phố xa. Ảnh T.A
Phố xa. Ảnh T.A

Khởi điểm từ một dòng sông

Xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành) nằm giáp ranh thành phố, vạch giới phân đôi bởi dòng sông Tam Kỳ  ngăn cách hai bờ nỗi nhớ. Mảnh đất được ví như người mẹ phù sa với bao cánh đồng trù phú. Những dải lúa nương ngô kéo dài bất tận. Mỗi chiều về, đàn cò trắng sà đậu lưng trâu điểm tô đồng chiều yên ả, tiếng sáo mục đồng ra rả ven đê.

Đứng ở khúc ngoặc ngã ba sông nhìn ngược lên cầu Tam Kỳ, bên kia vườn Cừa đang lên đèn như khoe sắc khoe màu với bao tà áo đẹp. Nhìn về bên này, lặng nhớ bao danh sĩ vượt sông. Dòng chảy Tam Kỳ đã nuôi dưỡng biết bao anh hùng hào kiệt. Từng luỹ tre làng, từng hàng dừa, rặng dúi còn khắc lại bao kỷ niệm khó quên.

Nhớ lại thuở xưa, đoàn cán bộ ngược dòng Tam Kỳ lên nghiên cứu đẩy đá ngăn dòng tạo nên công trình đập thuỷ lợi, làm thay đổi diện mạo vùng quê cả ngàn đời cơ cực. Gần 9 năm xây dựng, đến năm 1985, toàn bộ hệ thống “đại thủy nông” hồ Phú Ninh đã hoàn thành. Và trở thành công trình Thuỷ nông rộng lớn nhất miền Trung, được ví như một “Hạ Long thu nhỏ” nằm giữa lòng đất Quảng.

Từ đây, dải đất hạ lưu Tam Phú, Tam Thăng, Tam Tiến, Tam Hoà, Tam Anh, Tam Xuân… người dân không còn phải lo lúa gieo mùa hạn hán, không phải tát nước lưng còng mãi tận đêm khuya. Nước về, bao cánh đồng sanh sôi nảy lộc. Cuộc sống nông điền đã đổi thịt thay da.

Khu du lịch Hồ Phú Ninh.
Khu du lịch Hồ Phú Ninh.

Cùng chung một dòng chảy

Sự kết nối giao thoa hai bờ của hai dòng sông đã tạo dựng nên những con người góp thêm vào trang sử.

Ngược dòng thời gian, lật lại trang viết xưa, có vị khoa bảng đầu tiên vào dạy hoàng tử trong triều Thiệu Trị là cụ Trần Hưng Nhượng, quê ở làng Khương Mỹ, tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông (nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện núi Thành). Trước khi được giao việc giúp hoàng tử Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức) đọc sách, cụ Nhượng từng làm giáo thụ tại phủ Kiến An, tỉnh Định Tường - quê của bà Phạm Thị Hằng, vợ vua Thiệu Trị. Cụ Nhượng cũng là người Quảng Nam đầu tiên được điều đến làm việc tại vùng biên giới Lạng Sơn - Cao Bằng với chức vụ Án sát sứ - một chức vụ quan trọng trong tình hình thổ phỉ xâm lấn, cướp phá ở biên giới Việt - Trung lúc đương thời.

Nguyên mộ cụ được an táng tại ngã ba đường tránh Nguyễn Hoàng – Phan Chu Trinh, nay được gia đình dời lên Gò Trầu, xã Tam Xuân 1.

Nhà thờ cũ CTHĐNN Võ Chí Công.
Nhà thờ cũ nguyên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Chí Công.

Tôi tìm về khu di tích lịch sử, Nhà lưu niệm Võ Chí Công, thắp nén trầm nhang nghiêng đầu cẩn kính người đã cống hiến cả đời mình vì đại nghiệp của dân tộc, của giang sơn. Lần theo sách sử mà biết thêm, học thêm, cốt cách của những con người đã làm nên tượng đài anh hùng thời đại. Đó là tư chất của cụ Đỗ Thế Chấp (Mười Chấp), Võ Ngọc Hải (Tư Chuyển), và bao nhiêu danh nhân khác.

Hòa kết một dòng sông

Khúc hát Tam Kỳ ngân vang vào một đêm thanh vắng, giọng hát ngọt ngào tha thiết của ca sĩ Anh Thơ âm vang, "chiều lòng hồ biển chờ tình tôi lang thang, về lại Phú Ninh như về với người tình..."

Tam Kỳ dài theo năm tháng, ngược dòng Trường Giang man mác, ru hồn mình thả trôi trên dòng sông nước bao la, bao ước mơ xa ùa về trong tôi cõi lòng thầm nhắc.

Mở chuyến đò ngược dòng rồi thả trôi theo dòng chảy, tìm về nguồn tích xưa, tìm về với vẻ đẹp thiên tạo của muôn đời, ngắm nhìn bờ tre xõa tóc, có chiếc lược dừa nhẹ chải vuốt ve.  Có tiếng ve râm ran trong những trưa hè, bầy trẻ nô đùa quẫy sóng, ôm nước vào lòng, mơ ước một ngày mai. Có những tình yêu hoà vào trong sóng lúa, một khúc tình ca dịu ngọt mãi ru hoài.

Tìm về với dòng sông như tìm về nguồn cội, về với miệt vườn, nắng dọi những hàng cau. Tìm lại hơi ấm thuở nào cha ngồi đẽo guốc, mẹ ướp hoa nhài toả ngát hương thơm.

Hoà kết một dòng sông hay hoà lòng người vào trong tâm thức. Gắn kết hai mảnh đời, hai nửa của tình yêu. Tìm một giấc mơ chung, đón khách xa về với người.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố xa…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO