Phối hợp hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp

CHÂU NỮ 19/11/2019 13:17

Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh và Đại học Huế trong công tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được triển khai nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Trưng bày sản phẩm tiêu biểu trên lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: C.N
Trưng bày sản phẩm tiêu biểu trên lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: C.N

 Theo chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh và Đại học Huế về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2020 - 2025 vừa ký kết, 2 bên sẽ hợp tác nhiều nội dung trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. “Việc này nhằm phát triển, hỗ trợ dự án khởi nghiệp với các sản phẩm cụ thể của tỉnh cũng như góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, đào tạo phục vụ khởi nghiệp của Đại học Huế” - ông Phạm Ngọc Sinh, Tổ trưởng Tổ Công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, nói.

Thuận lợi về nguồn nhân lực

PGS-TS. Huỳnh Văn Chương - Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết, cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi các trường thuộc Đại học Huế đóng chân, Đại học Huế chọn Quảng Nam hợp tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bởi nhiều lý do. Quan trọng nhất là do Đại học Huế và lãnh đạo tỉnh đều rất quan tâm và sẵn sàng hợp tác, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. “Quảng Nam có môi trường thuận lợi và là nơi có tiềm năng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thực tế thời gian qua cho thấy, hoạt động khởi nghiệp của địa phương phát triển mạnh. Nhiều cựu sinh viên Đại học Huế công tác và làm việc tại Quảng Nam; sinh viên Quảng Nam chiếm gần 30% tổng số sinh viên đang theo học tại các trường tại Đại học Huế cũng là một trong những điều kiện thuận cho việc hợp tác trên lĩnh vực khởi nghiệp giữa đơn vị và địa phương” - PGS-TS.Huỳnh Văn Chương chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm gian trưng bày các sản phẩm làng nghề. Ảnh: C.N
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm gian trưng bày các sản phẩm làng nghề. Ảnh: C.N

Đại học Huế ký kết chương trình hợp tác với Quảng Nam để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học cho sinh viên các trường thành viên. Đồng thời hỗ trợ Quảng Nam đào tạo nguồn nhân lực khởi nghiệp và đào tạo kỹ năng giảng viên khởi nghiệp cho địa phương. Đại học Huế cũng là một trong 3 đơn vị trong cả nước được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo nguồn nhân lực cho công tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giảng viên, sinh viên, cho học sinh của miền Trung theo đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng nhiều mô hình khởi nghiệp

Những nội dung chính trong chương trình hợp tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giai đoạn 2020 theo Chương trình hợp tác số 147/CTPH/UBND-ĐHH ngày 11.11.2019 giữa UBND tỉnh và Đại học Huế về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giai đoạn 2020 - 2025: Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hằng năm, phối hợp tổ chức diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp; diễn đàn “Sinh viên Quảng Nam tại Huế với khởi nghiệp sáng tạo vì sự phát triển quê hương”; tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên trên địa bàn Quảng Nam. Đồng thời xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trao đổi thông tin, phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phối hợp mở rộng hợp tác về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tham gia các ngày hội khởi nghiệp.

Ông Phạm Ngọc Sinh cho biết, tới đây, Đại học Huế và UBND tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng và phát triển các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, như xây dựng dự án khởi nghiệp giống sâm Ngọc Linh; bảo tồn và phát triển nguồn gen các cây dược liệu quý của tỉnh; phát triển và đa dạng hóa sản phẩm quế Trà My, ớt A Riêu, cây chè dây (Ra Zéh), tinh bột nghệ vàng và nghệ đen... để chuyển giao cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng mô hình trồng sen an toàn và đa dạng sản phẩm hàng hóa từ sen thương hiệu Quảng Nam (hạt sen, tim sen, củ sen, ngó sen và trà hoa sen) phục vụ khởi nghiệp. Ngoài ra, triển khai một số dự án về bảo quản, chế biến nông sản nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho nông sản tại Quảng Nam... PGS-TS.Huỳnh Văn Chương cho rằng, Quảng Nam đã có nhiều dự án khởi nghiệp và bước đầu đã nghiên cứu để phát triển các sản phẩm nổi bật hoặc đặc trưng của tỉnh. Thời gian tới, Đại học Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu nhiều sản phẩm của Quảng Nam như sâm Ngọc Linh, các loại nấm, giống lúa, dược liệu, rượu... để thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động khởi nghiệp.

PGS-TS. Huỳnh Văn Chương cho biết, Đại học Huế đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức ươm tạo, tăng cường kết nối và tạo môi trường để hỗ trợ khởi nghiệp và đơn vị giao Trung tâm Khởi nghiệp làm đầu mối thực hiện chương trình hợp tác với Quảng Nam. Về phía tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh đã giao Tổ Công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh làm đầu mối. Ông Phạm Ngọc Sinh cho biết, trước mắt 2 đơn vị (trung tâm khởi nghiệp và tổ công tác khởi nghiệp) được giao nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp thực hiện các hoạt động như kết nối sinh viên Quảng Nam tại Đại học Huế; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực làm giảng viên khởi nghiệp của Quảng Nam và tham gia các hội đồng, dự án của Quảng Nam. Mới đây, Quảng Nam cũng mời thành viên Đại học Huế tham gia hội đồng đánh giá, xét chọn ý tưởng/dự án khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh năm 2019.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phối hợp hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO