Công tác phối hợp quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện không ít vướng mắc, bất cập. Tại hội nghị sơ kết quy chế phối hợp về quản lý ATTP mới đây, ngành chức năng cho rằng cần áp dụng các giải pháp đồng bộ để quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Nhiều vướng mắc
Đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh gồm Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Chi cục Chăn nuôi & thú y (Sở NN&PTNT), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) đã ký kết quy chế phối hợp quản lý ATTP.
Ông Lê Cần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng, các quy phạm pháp luật về quản lý ATTP của các bộ, ngành trung ương còn chồng chéo, rườm rà nhưng trong phối hợp, các cơ quan, đơn vị chưa tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản. Mỗi cơ quan, đơn vị tự xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra riêng, gây sự trùng lặp hoặc không thống nhất trong triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm hoặc chuyên đề. Ở các vụ việc lớn, giữa các cơ quan, đơn vị chưa có sự phối hợp từ công tác điều tra, theo dõi, kiểm tra, xử lý cho đến kết thúc.
Có tình trạng “nhờn” đóng dấu kiểm dịch thịt heo
Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho rằng, đến nay có tình trạng “nhờn” đóng dấu kiểm dịch thịt heo. Thực tế nhiều đợt kiểm tra, ở các lò mổ heo lẫn các chợ đều không đóng dấu kiểm dịch thịt heo.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho rằng, trước đây, trên địa bàn tỉnh có 2 điểm kiểm dịch động vật được lập ở huyện Núi Thành và thị xã Điện Bàn nhưng nay không còn tồn tại nên không kiểm soát được heo vận chuyển có kiểm dịch hay không. Về bơm nước trong giết mổ gia súc, rất khó bắt tận tay nên không đủ chứng cứ để xử lý mạnh các trường hợp sai phạm. Về thịt heo không có đóng dấu, ông Hoàng cho rằng, mỗi con heo chỉ được đóng 6 dấu nên khi kiểm tra, các ngành chức năng không thấy là do thịt heo có đóng dấu đã được bán xong.
“Qua thực tiễn công tác phối hợp, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, gây lúng túng, ảnh hưởng đến chất lượng thanh tra, kiểm tra, không ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm” - ông Cần nói.
Nêu kiến nghị về vấn đề phối hợp thanh tra, kiểm tra, quản lý ATTP giữa các đơn vị, Thiếu tá Hồ Quang Hải - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) cho rằng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm do ngành y tế quản lý dù đã được công nhận phòng thí nghiệm phù hợp theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005, tuy nhiên chưa thực hiện được kiểm nghiệm thực phẩm nên không đáp ứng yêu cầu phối hợp xử lý ATTP giữa các cơ quan, đơn vị.
Dù các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ nhưng trên địa bàn vẫn chưa có kho, phòng để tạm giữ các lô hàng thực phẩm được niêm phong hay tạm giữ. Trong khi đó, để đánh giá chất lượng ATTP thì việc lấy mẫu có vai trò quan trọng, nhưng để có được kết quả kiểm nghiệm thì phải gửi ra TP.Đà Nẵng, mất từ một đến hai tuần chờ kết quả nên rất khó khăn trong xử lý. Vì thế, dù nhận thấy các hàng hóa thực phẩm có nguy cơ, dấu hiệu mất an toàn nhưng đơn vị không dám tạm giữ hay niêm phong chờ xét nghiệm, xử lý.
Ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đánh giá, trong một số đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành, các cơ quan, đơn vị phối hợp cử công chức tham gia chưa xuyên suốt. Công tác trao đổi thông tin, kết quả thanh tra, kiểm tra liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi không kịp thời. Đặc biệt, đến nay, giữa 5 cơ quan, đơn vị phối hợp vẫn chưa có kênh chia sẻ dữ liệu nội bộ.
Nhiều giải pháp
Ông Lê Cần đề xuất, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để tham mưu, đề xuất với các bộ, ngành khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cần có sự tách biệt, rạch ròi, dễ nhớ, dễ áp dụng, dễ thực hiện. Để phối hợp chặt chẽ hơn, các cơ quan, đơn vị cần niêm yết kế hoạch thanh tra kiểm tra định kỳ, cung cấp cho các tổ chức, cá nhân đã được kiểm tra để tiện đối chiếu, tránh trùng lặp, chồng chéo. Khi có vụ việc nổi cộm, các cơ quan, đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ để cùng tiến hành thu thập, xác minh, tổ chức thanh tra, kiểm tra.
Để quản lý ATTP được nề nếp hơn, Thiếu tá Hồ Quang Hải cho rằng, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp triển khai kế hoạch hậu kiểm theo tháng, quý. Công tác thanh tra, kiểm tra cần tiến hành đột xuất, xử lý nghiêm các vụ vi phạm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể... Đồng thời công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.
Trong khi đó, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, các cơ quan, đơn vị cần khẩn trương thiết lập phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ATTP trên website để thông tin kết quả xử lý vi phạm ATTP, tránh chồng chéo trong kiểm tra, thanh tra và công khai các địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch lẫn thực phẩm không đảm bảo để người tiêu dùng tự lựa chọn. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị cần mở công khai Zalo ATTP để tiếp nhận thông tin, trao đổi trực tuyến với người cung cấp tin về sai phạm ATTP.