Ngành kiểm lâm 3 tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum vừa ký kết quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa 3 địa phương giai đoạn 2022 - 2024 nhằm xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét chung các khu vực phá rừng trọng điểm.
Quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng (BVR) vùng giáp ranh giai đoạn 2022 - 2024 với mục đích tiếp tục tăng cường phối hợp quản lý BVR, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, toàn diện; tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ đối với các phòng chuyên môn, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, các hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn trong công tác quản lý, BVR vùng giáp ranh.
Theo đó, các đơn vị tiếp tục xây dựng chương trình công tác phối hợp trong hoạt động trao đổi thông tin; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng; phòng cháy chữa cháy rừng và xử lý vi phạm; quản lý giống cây trồng lâm nghiệp…
Kiện toàn lực lượng kiểm lâm và lực lượng quản lý, BVR chuyên trách của các đơn vị chủ rừng đủ mạnh để đảm bảo thực thi tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ rừng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần quản lý nói chung và khu vực giáp ranh nói riêng; quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc giao đất giao rừng, khoán quản lý BVR cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tại khu vực giáp ranh...
Từ tháng 10/2020 đến giữa tháng 9/2022, các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum đã tổ chức được 1.227 đợt tuần tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng. Theo đó, phát hiện 98 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, xử lý hình sự 6 vụ, tịch thu hơn 158m3 gỗ các loại, 31 cá thể động vật hoang dã...
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, về triển khai quy chế phối hợp giữa 3 tỉnh thời gian qua có một số nội dung chưa được triển khai như lắp đặt hệ thống camera tại các điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp, vi phạm an ninh trật tự; chưa tham mưu giải quyết tình trạng xâm canh của người dân giữa các địa phương vùng giáp ranh và kiến nghị Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính theo Chỉ thị số 364 ngày 6/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, sắp tới, các huyện vùng giáp ranh xây dựng quy chế phối hợp để chỉ đạo các cơ quan chức năng (đặc biệt là công an, UBND các xã vùng giáp ranh) điều tra xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm về an ninh trật tự xã hội nói chung; về lâm nghiệp, khoáng sản nói riêng ở vùng rừng giáp ranh nhằm hạn chế tối đa các vụ vi phạm xảy ra. Thêm vào đó, rà soát diện tích đất sản xuất của người dân trong khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng để đề xuất giải pháp quản lý phù hợp với thực tế từng địa phương.
“Các chi cục kiểm lâm cần duy trì quy chế phối hợp, chỉ đạo các hạt kiểm lâm tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương của 3 tỉnh phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chủ trương, chính sách của Trung ương; nhất là một số nhiệm vụ, cơ chế chính sách về tăng cường công tác quản lý BVR, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.