Y tế

Phòng bệnh bạch hầu bằng vắc xin

LÊ QUÂN 12/07/2024 09:45

Bệnh bạch hầu đang có diễn biến phức tạp tại một số vùng trên cả nước. Qua điều tra dịch tễ, các vùng xuất hiện bệnh đều nằm trong số những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

tiêm bạch hầu
Quảng Nam tổ chức tiêm nhắc lại vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho học sinh hồi năm 2020. Ảnh: X.H

Bệnh nguy hiểm

Trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các chuyên gia y tế cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố.

Bệnh lưu hành trên toàn cầu, trước đây thường gặp ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, hiện nay, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ.

Vắc xin phòng bệnh bạch hầu đạt hiệu quả bảo vệ là 97% và giảm dần theo thời gian nên cần tiêm chủng nhắc lại từ 18 tháng tuổi - 24 tháng tuổi.

Trẻ dưới 1 tuổi phải tiêm ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib, viêm gan B có trong các loại vắc xin (Quivaxem, Pentaxim, Infarix). Tại các địa phương nguy cơ cao, trẻ 7 tuổi cần tiêm nhắc mũi thứ 5 với vắc xin Td.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân, đặc biệt dễ lây truyền trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Các triệu chứng ban đầu dễ lầm tưởng là viêm thanh quản, nổi hạch dưới hàm, đau họng; tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, viêm dây thần kinh, suy tim, viêm kết mạc... gây tử vong sau 6 đến 10 ngày. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới khoảng 5-10% và lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi khi mắc bệnh.

Thống kê từ Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên. Số mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm (55 trường hợp mắc), trong đó 7 trường hợp tử vong. Tính đến cuối tháng 6/2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc tại Hà Giang, Nghệ An, Bắc Giang, trong đó một trường hợp tử vong.

2509bachhau4.jpg.jpg

Phòng ngừa từ vắc xin

Tại Quảng Nam, từ năm 2015 - 2019 đã có 30 trường hợp mắc bạch hầu, với các ổ dịch xảy ra tại các huyện miền núi (năm 2015, 2017, 2018) và 5 ca mắc tại Duy Xuyên năm 2019. Từ năm 2020, ngành y tế tỉnh tăng cường công tác giám sát và vận động người dân tại các vùng có nguy cơ đưa con em đi tiêm phòng.

Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, các ca bệnh nghi ngờ bạch hầu có thể xảy ra tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, khó khăn trong công tác tiêm chủng, trẻ không được tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin bảo vệ. Đây là lý do nhiều địa phương ở miền núi và những vùng “lõm” tiêm chủng do thiếu vắc xin xuất hiện các ca bệnh bạch hầu những năm qua.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh không phát hiện ca bệnh bạch hầu. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 81,2% kế hoạch năm. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT4 đạt 56,3 % kế hoạch năm.

Sau thời điểm phát hiện các ca bệnh tại Duy Xuyên (cuối năm 2019), năm 2020 Quảng Nam đã tổ chức tiêm bổ sung vắc xin Td (uốn ván- bạch hầu giảm liều) với chỉ tiêu đạt tỷ lệ ≥ 90% trẻ 7 tuổi tại cộng đồng và trẻ học lớp 2. Đồng thời liên tục nhiều năm tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng bệnh bạch hầu bằng vắc xin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO