Phòng bệnh cho sâm Ngọc Linh

Lữ Đinh Hà My 05/11/2019 11:10

Ở Việt Nam, sau 46 năm phát hiện (từ năm 1973) cho đến nay, sâm Ngọc Linh cũng đã được nhiều tổ chức, cá nhân nghiên cứu nhưng chỉ tập trung ở các lĩnh vực hóa học, dược lý, di truyền, đặc điểm thực vật… Riêng nghiên cứu về kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại còn rất hạn chế. Đề tài khoa học “Nghiên cứu biện pháp canh tác và quản lý dịch hại hợp lý nhằm phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam” đang mở ra nhiều giải pháp mới để góp phần bảo tồn, phát triển nguồn giống gốc sâm Ngọc Linh.

Vườn sâm giống Ngọc Linh tại Nam Trà My. Ảnh: Phúc Hoàng
Vườn sâm giống Ngọc Linh tại Nam Trà My. Ảnh: Phúc Hoàng
 Thạc sĩ Trần Út - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, chủ nhiệm đề tài khoa học “Nghiên cứu biện pháp canh tác và quản lý dịch hại hợp lý nhằm phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam” đã dẫn chúng tôi đi tham quan các khu vực khoanh vùng nhiều thí nghiệm trên các luống sâm Ngọc Linh gốc đang được bảo tồn tại Trạm dược liệu Trà Linh (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My). Theo ông Út, hiện nay có một số dịch hại trên cây sâm đang phát triển, trong đó chủ yếu là cây sâm con được chăm sóc trong vườn ươm bị nhiều đối tượng dịch hại gây hại, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất cây giống cũng như chất lượng giống mang ra trồng. Một số bệnh phổ biến như đốm lá, lở cổ rễ, thối rễ chết cây con... gây ảnh hưởng đến tỷ lệ phát triển của cây sâm con.

Sau 3 năm nghiên cứu, đề tài “Nghiên cứu biện pháp canh tác và quản lý dịch hại hợp lý nhằm phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam” đã tạo ra môi trường cho cây sâm sống an toàn hơn, giảm nguồn bệnh đến mức thấp nhất. Nếu đưa cây sâm vào trồng trong nhà lưới có che chắn, chăm sóc thì tỷ lệ bệnh giảm đáng kể, gần như là an toàn. Thạc sĩ Trần Út còn cho biết thêm: “Sức khỏe hạt giống quyết định đến sự phát triển cây con, nghĩa là phải chăm sóc cây mẹ để cho hạt giống kháng bệnh tốt khi gieo ươm. Khi gieo, ươm hạt không nên gieo sâu, vì khi cây con vươn lên thì cổ rễ dài, tỷ lệ bệnh cao hơn. Cải thiện biện pháp đó, việc gieo cạn lại trên mặt đất thì củ của nó rất to, khỏe, rễ của nó ngắn nên tránh được bệnh tấn công lên rễ, đó là các giải pháp mang lại hiệu quả rất rõ”.

Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN, Viện Khoa học nông nghiệp đang phối hợp với nhóm nghiên cứu đề tài đã tiến hành điều tra đánh giá được một số sâu bệnh hại, phòng trừ bệnh cho cây sâm bằng các biện pháp sinh học, xử lý cây bệnh trong vườn ươm. TS.Lê Xuân Vị - Trưởng bộ môn chẩn đoán, phát hiện dịch hại và thiên địch (Viện Khoa học nông nghiệp) nói: “Chúng tôi sẽ tuyển chọn những loại vi sinh vật có ích tại chỗ, nghĩa là những loài vi sinh vật đặc hữu có khả năng tồn tại ở độ cao từ 1.500 – 1.800m so với mặt nước biển và trong nhiệt độ lạnh. Chúng tôi sẽ thu thập trong đất và tuyển chọn, đánh giá khả năng ký sinh đối kháng đối với sâu bệnh, sau đó sẽ nhân nguồn và sản xuất ra chế phẩm sinh học để bón ngược lại chính cây sâm Ngọc Linh”. 

Cũng theo Viện Khoa học nông nghiệp, hiện trên thị trường có rất nhiều chế phẩm sinh học, tuy nhiên chế phẩm sinh học cho cây sâm hầu như không có, nếu đi theo phương pháp sinh học dùng thảo mộc chiết xuất từ các loài thực vật, không dùng biện pháp hóa học bón vào trong đất, giúp các loại vi sinh vật có ích trong đất phát triển. Bởi cây sâm sống trong môi trường tự nhiên bắt buộc có lớp đất mùn rất dầy phủ trên đầu mầm, việc theo dõi thường xuyên lượng mùn núi (hữu cơ tự nhiên) đảm bảo thì cây con mới phát triển. Kết quả của đề tài nếu được nhân rộng giúp người dân thay đổi phương thức trồng sâm theo kinh nghiệm, tập quán, nâng cao năng suất cây sâm, chống dịch hại, hạn chế tác động tiêu cực đến cấu trúc rừng nguyên sinh, xóa mòn tầng đất...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng bệnh cho sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO