Phòng bệnh đái tháo đường

BSCKI. NGUYỄN THỊ KIM VÂN 06/11/2013 12:26

Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực. Thiếu kiến thức về đái tháo đường cùng với tiếp cận không đầy đủ các dịch vụ y tế và thuốc thiết yếu, có thể dẫn đến các biến chứng như mù lòa, cắt cụt chi, các tổn thương về thận.

Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu bản thân mỗi người thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh như dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia. Sau đây là một số phương pháp giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường.

1. Quản lý trọng lượng

Béo phì là một trong các yếu tố nguy cơ cao nhất đối với bệnh đái tháo đường loại 2. Vì vậy, bạn nên cố gắng duy trì một trọng lượng khỏe mạnh. Theo ước tính, mỗi 20% trọng lượng tăng lên vượt mức lành mạnh, nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường sẽ tăng gấp đôi. Nếu biết giảm 5% trọng lượng sẽ giúp phòng tránh nguy cơ bệnh đái tháo đường tốt hơn.

Cần khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Ảnh: A.T
Cần khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Ảnh: A.T

2. Ăn nhiều rau xanh

Nếu bạn thường ăn sáng với những đồ ăn nhiều dầu mỡ như bánh mì bơ, phó mát bơ, khoai tây chiên… hãy đổi khẩu vị bằng món salad mỗi sáng. Bổ sung nhiều rau xanh thường xuyên là cách đơn giản nhất để phòng tránh bệnh đái tháo đường. Đây cũng là cách hữu hiệu để giảm thiểu cân nặng, giữ lượng đường trong máu được ổn định.

3. Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt

Ăn một số loại ngũ cốc nguyên hạt cũng giúp ổn định và kiểm soát được lượng đường trong máu. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, bổ sung ngũ cốc nguyên hạt thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, đột quỵ, tăng huyết áp.

4. Bỏ qua thức ăn nhanh

Thức ăn nhanh là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường. Vì vậy, bạn nên hạn chế loại đồ ăn này bất cứ lúc nào có thể.

5. Khám bệnh thường xuyên

Cách phòng và chữa trị bệnh dễ dàng nhất là khám bệnh thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Bạn cần phải biết lượng đường trong máu bạn như thế nào, đặc biệt là trong gia đình bạn đã có người bị đái tháo đường. Hãy xét nghiệm máu định kỳ và làm theo những lời khuyên của bác sĩ để phòng bệnh tốt nhất.

6. Thường xuyên tập luyện

3,16 triệu người dân Việt Nam bị đái tháo đường
Bộ Y tế vừa tổ chức lễ phát động “Chương trình chăm sóc đái tháo đường” hưởng ứng Ngày đái tháo đường thế giới 14.11. Báo cáo cho biết có 3,16 triệu người dân Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường, chiếm gần 5,3% dân số trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 79. Đáng lưu ý, tỷ lệ người bệnh có biến chứng cao do không được điều trị đúng mức, cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì có 6 người đã có biến chứng của bệnh đái tháo đường. Các chuyên gia khuyến cáo đái tháo đường týp 2 mới đầu không có biểu hiện rõ ràng, nhất là ở những người có các triệu chứng cảnh báo của bệnh như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, nhiễm mỡ máu, sinh con trên 4kg… cần tầm soát thường xuyên để sớm phát hiện bệnh.(A.T)

Nên luyện tập thể dục thường xuyên như đi bộ, bơi lội... ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tránh ngồi một chỗ quá lâu khi làm việc, nên nghỉ ngơi 5 phút sau 1 tiếng làm việc. Đối với phụ nữ, nên hạn chế việc làm vào ban đêm.

7. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Ăn đa dạng: nên ăn trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món ăn hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn, món ăn nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa…Nên hạn chế ăn những thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như đường, nước ngọt, kẹo.

Ăn chừng mực: không ăn quá no hay quá đói, không ăn một thứ gì quá nhiều. Dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, lượng bột đường vừa đủ theo nhu cầu hoạt động của cơ thể, tránh dư thừa sẽ dễ làm tăng cân. Nên ăn các loại thịt nạc bỏ da, ăn cá nhiều hơn thịt. Ăn thêm các loại đạm thực vật như đậu hũ, các loại đậu khác. Hạn chế mặn.

BSCKI. NGUYỄN THỊ KIM VÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng bệnh đái tháo đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO