Phòng bệnh giao mùa hè thu

LÊ QUÂN 13/09/2019 13:06

Cảm sốt, viêm hô hấp, đau mắt đỏ, tiêu chảy... là những bệnh thường gặp vào tiết trời chuyển giao từ hè sang thu. Dù chưa xảy ra tình trạng quá tải nhưng số ca mắc các bệnh giao mùa tại Quảng Nam đang bắt đầu gia tăng...

Người dân nên đến các cơ sở y tế thăm khám khi mắc các bệnh giao mùa. Ảnh: L.Q
Người dân nên đến các cơ sở y tế thăm khám khi mắc các bệnh giao mùa. Ảnh: L.Q

Bệnh mùa tựu trường

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay khí hậu đang chuyển mùa hè - thu, thời tiết diễn biến phức tạp, rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền, như bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút rota, sốt xuất huyết... Quan sát tại Phòng khám Đa khoa Hồng Phúc (TP.Tam Kỳ), số lượng trẻ mầm non, tiểu học được cha mẹ dẫn đến khám bệnh ngoài giờ khá nhiều. Chị Nguyễn Thị Cúc có con đang học lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, thời gian này thời tiết mưa nắng thất thường nên con chị ho nhiều, hâm hấp nóng. Đây cũng chính là triệu chứng của nhiều học sinh khi mùa tựu trường, năm học mới bắt đầu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) cho biết, các bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa này chủ yếu thuộc nhóm đường hô hấp trên như viêm VA, viêm amiđan, viêm mũi, họng, viêm xoang… “Đây là những bệnh có thể xảy ra cấp tính nhưng có thể là bệnh mãn tính, mỗi khi thời tiết chuyển mùa là bệnh xuất hiện. Với trẻ nhỏ là bệnh tay chân miệng - bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa. Bệnh này rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Chưa kể còn có bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus, thường gặp ở bé vào mùa thu đông, đặc biệt là bé từ 3 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi” - bác sĩ Kim Vân cho biết.

Tăng cường phòng dịch

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè - thu, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt, phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh... Bên cạnh giữ gìn vệ sinh, chế độ dinh dưỡng phù hợp, việc thực hiện tiêm chủng đầy đủ cũng là một trong các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam nói, ngoài việc lưu tâm tiêm chủng cho trẻ nhỏ, với các trẻ lớn cần lưu ý các mũi tiêm nhắc lại vì trên thực tế nhiều gia đình còn chưa hiểu đầy đủ sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại này. Với trẻ nhỏ 0 - 12 tháng tuổi, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ rất cao, có nơi đạt gần 100% nhưng với trẻ lớn trên 12 tháng tuổi thì tỷ lệ tiêm nhắc lại thấp hơn. Điều này  có thể do cha mẹ quên hoặc xao nhãng mũi tiêm này do tâm lý chủ quan, cho rằng đã tiêm chủng cho trẻ khi còn nhỏ thì có thể bảo vệ cho trẻ khỏi mắc các bệnh truyền nhiễm.

Đối với khu vực miền núi, để phòng các bệnh giao mùa, bác sĩ Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc khuyến cáo, mọi người cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là 2 gan bàn chân vào những ngày chuyển sang trời lạnh; chú ý giữ ấm về ban đêm, lúc đi ngủ. Đặc biệt phải giữ ấm cho các cụ già, trẻ em và trẻ sơ sinh. Khi có dịch phải thông báo ngay cho cơ quan y tế; khẩn trương cách ly người bệnh, phong tỏa ổ dịch. Đối với người thân trong nhà mắc bệnh hoặc tại khu vực đang sinh sống có số lượng người mắc bệnh hô hấp tăng, mọi người phải đeo khẩu trang, nhỏ thuốc sát trùng mũi, có dịch cúm thì tiêm vắc xin phòng cúm, hạn chế các cuộc họp, tập hợp đông người...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng bệnh giao mùa hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO