Mùa mưa lũ là thời điểm nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ngành y tế dự phòng Quảng Nam đã và đang triển khai các biện pháp khuyến cáo, cấp phát thuốc cho người dân để chủ động phòng chống dịch bệnh.
Môi trường và nguồn nước ô nhiễm sau mưa lũ là nguyên nhân phát sinh dịch bệnh. ảnh: C.N |
Bác sĩ Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, công tác phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh mùa mưa lũ năm nay đã được ngành y tế chủ động từ sớm. Trước khi mùa mưa bão bắt đầu, trung tâm đã xử lý, khống chế các ổ dịch sốt xuất huyết; đồng thời tiếp tục giám sát chặt chẽ các vùng bị ngập lụt, vùng có nguy cơ xảy ra dịch để chủ động xử lý; cấp phát gần 1.600kg cloramin B cho 18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Số thuốc này đủ để các địa phương khử khuẩn nguồn nước, vệ sinh môi trường sau mưa lũ. Hôm qua, ngày 6.11, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục đề nghị Viện Pasteur Nha Trang cấp thêm 1 tấn cloramin B, 100 lít hóa chất diệt côn trùng, 100 nghìn viên aquatabs khử khuẩn nước cùng 50 cơ số thuốc phòng bệnh mùa bão lụt. “Như vậy, cùng với 200 nghìn viên aquatabs, 20 cơ số thuốc được Bộ Y tế hỗ trợ trước đó, có thể nói Quảng Nam đã chủ động được nguồn thuốc vệ sinh môi trường và vệ sinh nguồn nước ngay sau mưa lũ” - bác sĩ Hoàn nói. Ngoài ra, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong mùa bão lụt, ngày 6.11, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có công văn nhắc lại các địa phương tăng cường công tác đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường mùa bão lụt và hướng dẫn quy trình xử lý. Trong đó, hướng dẫn cụ thể người dân xử lý nước ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh môi trường trong và sau khi ngập lụt…
Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, do thời tiết vào mùa mưa ẩm nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh bắt đầu gia tăng. Trong tháng 10, toàn tỉnh phát hiện 201 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; 406 trường hợp mắt bệnh sốt xuất huyết; hơn 1 nghìn trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, quai bị, thủy đậu và các loại bệnh khác. Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 615 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; 2.249 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; hơn 10 nghìn trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, quai bị, viêm gan vi rút, thủy đậu và các loại bệnh khác.
Thường vào mùa lũ, nguy cơ phát sinh một số dịch bệnh liên quan đến nguồn nước như tiêu hóa, bệnh ngoài da, đau mắt đỏ và bệnh do côn trùng gây ra (chẳng hạn như sốt xuất huyết). Trong đó, tiêu chảy là bệnh phổ biến và dễ phát sinh thành dịch nhất, bởi lẽ vào mùa mưa lụt, nguồn nước thường bị nhiễm bẩn, mặt khác nhiều người dân thiếu chất đốt nên chưa thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi. Còn bệnh ngoài da phổ biến mùa này là nấm chân, nấm tay và ghẻ lở. Do vậy, sau khi dầm mình trong nước lũ, người dân cần tắm rửa cẩn thận bằng nước sạch và lau khô để diệt khuẩn và tránh mầm bệnh. Mùa mưa cũng là lúc người dân dễ mắc các bệnh thông thường về hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, ho, viêm phế quản...
CHÂU NỮ