Tấm biển màu đỏ có dòng chữ trắng “Phòng bệnh nặng” gắn nơi cửa, khiến ai vào đây cũng ngó, với vẻ lo. Phòng có bốn bệnh nhân nằm bốn góc, đi cùng là bốn người nhà chăm sóc.
Bà cụ mổ bướu cổ nằm gần cửa sổ, chỉ ra dấu bằng tay hay ánh mắt. Ngược lại, con gái bà nói cười thả cửa, miệng như bị mất phanh. Kế đến là bà cụ 90 tuổi bị viêm phổi, được con gái tuổi 70 chăm. Người con nằm bên mẹ, khi ngủ lại ú ớ như bệnh nhân.
Ông cụ 91 tuổi nằm giường trong góc bên kia đã lẫn, cứ tròn mắt ngó quanh, hết đòi về lại bảo con gái đưa kéo cắt dây truyền dịch, đòi không được liền bứt mớ dây lòng thòng. Con cũng bạc trắng như cha, luôn miệng can ngăn, rối rít năn nỉ.
Bệnh nhân thứ tư là bà cụ bị bệnh tim nằm cạnh cửa ra vào, được con trai chăm sóc. Người con chắc chưa tới bốn mươi tuổi, ngồi bên vuốt ngực rồi xoa bóp mỗi khi mẹ khó thở, chốc chốc ra ban công hóng gió. Đi mua cơm cháo hay nước sôi, anh thường mua giúp cho hai bà hơn tuổi cùng phòng.
Phòng bệnh im lặng nặng nề, nghe rõ tiếng thở, tiếng rên hay tiếng trở mình. Người trên giường mê mệt, mắt nhắm triền miên, tỉnh dậy lại kêu than hay ôm ngực ho khan. Người ngồi cạnh hết lăng xăng, lại ngó bình dịch nhỏ từng giọt hy vọng; lại đăm chiêu nghĩ ngợi, vẻ mong đợi an lành.
Màu trắng bao trùm lẫn mùi cồn hăng hắc khiến căn phòng thêm lạnh và buồn. Chẳng cần lời nhắc “đi nhẹ nói khẽ” dán trên tường, người ta rón rén đi lại và hạ giọng khi cất lời.
Duy cô gái chăm sóc mẹ mổ bướu cổ lại khác. Những lúc cô để mắt đến mẹ chắc chẳng bằng những khi cúi gằm vào chiếc điện thoại. Cô xem những gameshow và clip hài rồi cười rần rật như đang ở phòng riêng. Mặc những ánh nhìn khó chịu và vẻ nhăn nhó, tiếng cười lạc lõng vẫn vang lên từng hồi.
Chàng trai chăm mẹ bước lại gần cô gái, nói khẽ: “Cô cho âm lượng nhỏ lại”. Đáp lại là lời trống không: “Điện thoại không vặn nhỏ được”. Cuộc tra tấn bằng âm thanh chỉ chấm dứt khi nữ điều dưỡng đến nhắc cô cần giữ yên tĩnh trong phòng bệnh.
Rời điện thoại, cô vớ ngay cái điều khiển từ xa của điều hòa, miệng lẩm bẩm: “Ở mất tiền, mắc mớ chi không xài cho sướng”. Cô chĩa cái điều khiển vào máy lạnh, khởi động. Gần như cùng lúc, hai bà chăm sóc người nhà ra hiệu ngăn lại.
Bà tóc bạc bảo, trong phòng toàn người già, lại có người bị bệnh phổi, nằm điều hòa không chịu được. Bà kia thêm vào, người ta bố trí phòng bệnh nặng ở đầu hồi tầng năm là để đón gió nồm, vả lại quạt quay vù vù, mát lắm rồi.
Cô gái bốp chát: “Thế thì lắp máy lạnh làm gì?”. Vừa nói cô vừa bấm điều khiển để hạ nhiệt độ làm mát. Những ánh mắt khó chịu lẫn lo lắng chốc chốc ngước nhìn hơi lạnh phả ra từ trên cao.
Chẳng phải đợi lâu, tiếng ho nối nhau mỗi lúc một dày kéo theo những tiếng thở dài: “Lạnh quá!”. Cô gái vẫn thản nhiên dán mắt vào điện thoại, ngả người trên ghế xếp, lim dim tận hưởng phút giây sảng khoái. Chỉ đến khi mẹ cô chỉ vào máy lạnh và lắc đầu, khoát tay, cô mới động lòng, nhượng bộ.
Đêm xuống, chàng trai bảo cô gái buông rèm cửa sổ để muỗi và thiêu thân không bay vô phòng. Cô gạt đi, cãi lại rằng “vén rèm nhìn cho thoáng”. Nhìn gì khi bên ngoài là màn đêm dày đặc, bao trùm. Biết thế nhưng chẳng ai rỗi hơi cãi lại người có sở thích khác lạ. Và rồi, lời khuyên không hiệu nghiệm bằng tiếng muỗi, cô gái lầm bầm rồi lẳng lặng đứng lên thả rèm, sau một hồi đập muỗi bôm bốp và xua đám côn trùng đang nhào vô tới tấp.
Người trong phòng thường ngủ sớm nhưng từ khi cô gái đến thì phá lệ. Cô nằm gần công tắc, không cho ai tắt điện. Luồng sáng khiến nhiều người trở mình liên tục, chốc chốc nhổm dậy, nhăn mặt nhìn ba bóng đèn neon trên trần nhà bằng ánh mắt căm tức.
Căn phòng sáng trưng lại cho cô gái thích thú với chiếc điện thoại trên tay, lúc lúc cô vọt miệng xuýt xoa, bình luận. Cảnh một kẻ cười và nhiều người bực chỉ chấm dứt khi nữ điều dưỡng đến bật đèn ngủ thay cho mấy đèn neon.
Cô gái thức khuya, dậy muộn. Buổi sáng, hộ lý vào lau nhà, cô vẫn nằm ườn trên chiếc giường xếp, đặt ngay lối đi. Người đi ra đi vô phải nghiêng mình để tránh nhưng cô vẫn vô tư ngủ.
Bất tiện nhất là dắt các cụ vào buồng vệ sinh với dây chuyền dịch lòng thòng, lại phải né “vật cản nhân tạo”. Chàng trai liền bước tới bên cô gái, nhắc nhỏ: “Cô dậy đi để bà con nhờ”. Cô uốn éo một lúc, ca cẩm vu vơ rồi mới đứng lên thu dọn chỗ nằm.
Buổi trưa, cô hành hạ người cùng phòng bằng những cuộc gọi chỉ đạo từ xa. Đầu tiên, cô nhắc thủ kho công ty tiếp nhận các mặt hàng và bốc xếp vào kho cẩn thận, lên kế hoạch đưa đến các đại lý. Người đối thoại hỏi lại khiến cô chủ nổi cáu: “Sao mày chậm hiểu thế?”. “Trời ạ, ngu thế là cùng!”.
Liền đó, cô chuyển giọng vỗ về thuộc cấp, rằng chú ý kiểm đếm đủ đúng chủng loại và bảo quản hàng hóa an toàn, cuối tuần cho nhậu chết bỏ. Cô gọi nhân viên kế toán, bảo chuẩn bị hộ chiếu và vé máy bay để cô du lịch nước ngoài.
Kết nối với đối tác, cô trách việc thanh toán chậm so với hợp đồng. Bên kia cãi lại, hai bên đôi co càng lúc càng to. Cô huơ tay chém gió, nhăn mặt lắc đầu, cứ như đang diện kiến người đối thoại.
Chàng trai lại lên tiếng, không còn giữ được điềm đạm: “Đề nghị cô ra ngoài nói chuyện. Cô làm phiền người khác nhiều quá!”. Cô gái thoáng bất ngờ, xổ giọng thách thức: “Tôi xin lỗi, được chưa!?”. Cô gái có vẻ kiêng dè chàng trai, kéo theo việc nói năng và cử chỉ bất ngờ chừng mực.
Anh thì hình như không nuôi bực tức, không muốn bất hòa kéo dài. Thấy cô cầm trái cam lúng túng, anh liền đưa cho con dao nhỏ và cái vắt nước cam bằng i-nốc; lại đưa cho mấy tờ báo, bảo trải ra giường khi ăn cơm để thức ăn không dây vô chăn nệm. Nhìn bình dịch truyền cho bà cụ đã hết nhưng ngó quanh không thấy con gái bà, anh liền chạy đi gọi điều dưỡng.
Buổi chiều, cô gái bê chậu quần áo vừa giặt bước ra từ buồng tắm; chàng trai mới bước vô đã vội quay ra nói với mọi người: “Bà con khoan vào nhé, sàn nhà nhiều bọt xà phòng nên trơn trượt, dễ ngã lắm”.
Nói rồi, anh vội đi tìm hộ lý mượn giẻ lau rồi xả nước rào rào, hì hục chùi quét. Khi quay ra, anh tươi cười: “Sạch xà phòng rồi, ai có nhu cầu, cứ tự nhiên”. Cô gái dừng tay phơi đồ nơi ban công, đứng nhìn chàng trai rồi lặng lẽ cúi xuống.
Hôm anh đang chờ taxi để đưa mẹ ra viện và cô gái cũng vừa đi khỏi thì mẹ cô lồm cồm ngồi dậy. Bà cụ vịn giường lần về phía buồng vệ sinh, vẻ nôn nóng nhưng bàn chân ríu lại cùng nét mặt hốt hoảng. Bà bất chợt đứng sững, đũng quần và nền nhà bên dưới ướt sũng. Cụ cúi xuống rồi ngước lên với vẻ thất thần, bất lực lẫn xấu hổ. Mọi người chun mũi, quay đi, cùng nhìn ra cửa, ý chờ con gái bà.
Chàng trai cố giữ vẻ tự nhiên, nhìn bà cụ đang tái mặt run run, động viên: “Không sao đâu bác, người già thường không chủ động được đại tiểu tiện”. Anh quay qua hai bà đang chăm người nhà nói nhỏ: “Hai chị đưa cụ vào buồng tắm rửa ráy và thay đồ, nền nhà để tôi”.
Nói rồi anh lật đật chạy đi tìm giấy và giẻ lau, lại lấy cả nước tẩy để khẩn trương xua đi mùi khó chịu. Anh lau nhà trong tiếng chuông điện thoại kéo dài, đành dừng tay, đáp vội: “Taxi chờ cho chút nghe”. Xong việc, anh treo cây lau nhà trước cửa buồng tắm, tổng chào cả phòng rồi vội vàng đưa mẹ xuống cầu thang.
Thấy con gái về, người mẹ mừng nhưng nhăn mặt, vẻ trách móc. Cô phân trần, hôm nay là mùng một nhưng căn tin bệnh viện chỉ bán đồ mặn nên cô ra ngoài, lòng vòng tìm quán chay mua cho mẹ.
Bà cụ chỉ hai bà chăm sóc người nhà bên cạnh, ú ớ không tròn lời. Cô gái ngơ ngác, lần hỏi căn nguyên. Cô tròn mắt khi nghe kể về sự cố mới rồi và chàng trai vừa đi khỏi. Lặng một lúc, cô ngượng ngùng nhìn những người cùng phòng, lí nhí cảm ơn. Bất chợt cô chạy ra cửa, lao xuống cầu thang; lúc sau quay lại, lắc đầu buồn bã: “Anh ấy đi rồi!”.
Cô bước lại bên cửa sổ, mắt dõi về phía con đường trước bệnh viện đang tấp nập người xe, chốc chốc xoay người nhìn cái giường trống - nơi chàng trai thường ngồi xoa bóp cho mẹ.