Phòng bệnh thường gặp sau mưa lụt

CHÂU NỮ 12/12/2018 01:50

Môi trường sau mưa lụt bị ô nhiễm là mầm mống phát sinh nhiều loại bệnh; Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động phòng tránh dịch bệnh, nhất là các bệnh thường gặp.

Cuối tuần qua, Trung tâm Y tế dự phòng Tam Kỳ phun thuốc phòng bệnh sốt xuất huyết tại Trường Mẫu giáo Hương Sen (Tam Kỳ). Ảnh C.N
Cuối tuần qua, Trung tâm Y tế dự phòng Tam Kỳ phun thuốc phòng bệnh sốt xuất huyết tại Trường Mẫu giáo Hương Sen (Tam Kỳ). Ảnh C.N

Bệnh sau lũ

Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, môi trường bị ô nhiễm sau lũ lụt, cùng với thời tiết ẩm ướt mùa đông dẫn đến nguy cơ phát sinh nhiều loại bệnh, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tiêu chảy, cảm cúm, nấm chân... Theo bác sĩ Huỳnh Công Quang, đối với Quảng Nam hiện nay, phải đặc biệt chú ý phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bởi lẽ, sau lũ lụt các dụng cụ phế thải đọng nước sẽ sinh nhiều bọ gậy, trong khi đó, Quảng Nam lại đang có dịch sốt xuất huyết.

Bệnh đau mắt đỏ cũng thường tăng cao trong cộng đồng dân cư sau lũ. Nguyên nhân của bệnh, theo bác sĩ Quang, là do người dân dùng nguồn nước nhiễm bẩn, dùng chung khăn mặt. Tương tự, do môi trường ô nhiễm, nguồn nước, nguồn thức ăn nhiễm bẩn, không hợp vệ sinh cũng là nguyên nhân phát sinh các bệnh về đường ruột, đặc biệt là bệnh tiêu chảy. Không khí ẩm thấp mùa đông, cùng với lũ lụt cũng là một trong những nguyên nhân gây các bệnh về đường hô hấp, thường gặp nhất là bệnh cảm cúm. Nấm chân cũng là một bệnh phổ biến sau lũ, bởi nhiều người dầm nước bẩn để dọn dẹp nhà cửa, khiến da bị tổn thương.

Cách phòng tránh

Giữa tháng 11, UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu các sở ban ngành chỉ đạo, phối hợp triển khai các hoạt động diệt loăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn; tăng cường các hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết; phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện và tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời. Trong tháng 11, toàn tỉnh đã phát hiện 1.037 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue; 255 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; 2 trường hợp mắc bệnh thủy đậu; 8 trường hợp viêm gan vi rút B; 801 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy; 67 trường hợp mắc bệnh quai bị... Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 11, toàn tỉnh phát hiện 2.462 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue; 1.001 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; 874 trường hợp mắc bệnh thủy đậu; 50 trường hợp viêm gan vi rút B; 8.234 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy; 670 trường hợp mắc bệnh quai bị; 1 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó chết 1 người (ở Nam Trà My)...

Trước mùa mưa lũ, ngành y tế Quảng Nam đã triển khai công tác phòng bệnh. Từ tháng 8.2018, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp phát thuốc và hóa chất phòng dịch bệnh mùa mưa lũ đến 18/18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; bao gồm 244 cơ số thuốc phòng chống bão lụt, 1,5 triệu viên Cloramin B, khoảng 1,5 tấn Cloramin B bột. Số thuốc này cơ bản đảm bảo cho các địa phương phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, mặc dù ngành y tế đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt phun thuốc phòng trừ bệnh nhưng sau đợt mưa lụt, khả năng bùng phát dịch bệnh là rất cao. Vì vậy người dân phải chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng, vệ sinh môi trường; mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày. Trong và sau lũ, người dân nên sử dụng nguồn nước sạch như nước máy. Tuy nhiên, đối với những vùng không có nước máy, bất đắc dĩ phải dùng nước giếng thì phải khử khuẩn nguồn nước bằng hóa chất Cloramin B để phòng các bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ. Các trạm y tế trong tỉnh sẽ cấp phát hóa chất này đến người dân vùng lũ.

Bác sĩ Huỳnh Công Quang khuyến cáo thêm, để chủ động phòng tránh dịch bệnh trong và sau mưa lũ, người dân cần giữ vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh cá nhân, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng bệnh thường gặp sau mưa lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO