Phong cách điêu khắc kể chuyện ở tháp Khương Mỹ

TRẦN KỲ PHƯƠNG - NGUYỄN TÚ ANH 06/03/2022 08:33

Vào những năm 2001 và 2007, Bảo tàng Quảng Nam đã phối hợp với Khoa Sử (Đại học Quốc gia Hà Nội) khai quật khảo cổ học tại nhóm tháp Khương Mỹ. Tại chân tháp Nam, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều phù điêu trang trí bằng sa thạch mang tính chất của thể loại điêu khắc kể chuyện.

Phù điêu “Những chiến binh khỉ” quanh đế tháp Nam Khương Mỹ.
Phù điêu “Những chiến binh khỉ” quanh đế tháp Nam Khương Mỹ.

Sáng tạo độc đáo của nghệ nhân Chăm

Theo các nhà lịch sử nghệ thuật, nếu so sánh với những sáng tác của nghệ thuật Java cổ, thì tác phẩm của Khương Mỹ đơn giản hơn về mật độ chi tiết nhân vật và phối cảnh, cách giải thích bằng hình ảnh của câu chuyện đã tiết giảm tình tiết phức tạp. Các hình ảnh trên những phù điêu Chămpa này đồng thời gợi mở một sự gần gũi với phong cách Đông Java, khoảng thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 11. Điều này chỉ ra rằng, vào thế kỷ 10, văn hóa Chămpa đã giao lưu rộng rãi và mật thiết với nhiều nền nghệ thuật của đại lục Ấn Độ và của Đông Nam Á.

Theo Sử thi Ramayana, Kiskindakanda là một vương quốc rừng rậm, cũng là nơi hoàng tử Rama lên ngôi vua; sau khi lên ngôi hoàng tử được tất cả người rừng hay là “vanara”, vượn, khỉ và gấu yêu mến và trung thành.

Trong đó, người rừng được cho là giữ vai trò đặc biệt trong việc hỗ trợ Rama đánh bại Ravana để giải cứu Sita...

Trong sử thi, người rừng được mô tả là tinh nghịch, quấy nhiễu, hiếu động, thích mạo hiểm, trung thành, can đảm và tốt bụng. Các đặc tính này hầu hết đều tương ứng với động thái của các cá thể được chạm quanh chân tháp Nam Khương Mỹ.

So sánh hình tượng các nhân vật trong Ramayana, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, thi sĩ đạo sư Valmiki không mô tả chiến binh như là những con khỉ, hình ảnh chiếc đuôi giống khỉ là của người rừng, được xem như một dạng đồ trang sức của nam giới thuộc bộ tộc Savara.

Quan sát những phù điêu thể hiện hình tượng các cá thể được gọi là khỉ chạm trổ quanh chân tháp Khương Mỹ, một số cá thể này còn rõ phần đuôi, trong khi một số khác lại không nhận thấy đuôi, hoặc giả chúng có đuôi nhưng đã bị mòn mờ. Có thể nhận định rằng, trên các phù điêu Khương Mỹ hình tượng khỉ và người rừng xuất hiện cùng nhau để hỗ trợ Rama giải cứu Sita. Vì vậy, có thể xem đây là sáng tạo độc đáo của nghệ sĩ Chăm khi sáng tác những hoạt cảnh sinh động này.

Trích đoạn minh họa “Vườn Asoka” với quỷ vương Ravana nhiều đầu, tháp Nam Khương Mỹ. Ảnh: Trần Kỳ Phương
Trích đoạn minh họa “Vườn Asoka” với quỷ vương Ravana nhiều đầu, tháp Nam Khương Mỹ. Ảnh: TRẦN KỲ PHƯƠNG

Về vị trí của các bức phù điêu trong trang trí kiến trúc ở tháp Khương Mỹ, hình ảnh nêu trên được đặt tại phần thấp nhất của đế tháp. Điều này được các nhà lịch sử nghệ thuật nhận định là một kiểu chơi chữ trong nghệ thuật thị giác.

Cảnh tượng vô số chiến binh khỉ, được mô tả trong đủ các tư thế sinh động, xuất hiện trên mọi chi tiết kiến trúc như thách thức giới hạn về không gian của ngôi đền.

Vì thế, dường như, chúng có thể vượt ra khỏi khuôn khổ của kiến trúc, nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của loài vật này trong trận chiến chống quỷ vương Ravana. Hình ảnh người rừng kết hợp với hình tượng khỉ xuất hiện trong điêu khắc Khương Mỹ là sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân Chăm nhằm diễn đạt nội dung phong phú của sử thi Ramayana.

Sự giao lưu rộng rãi giữa các nền nghệ thuật

Trong cuộc khai quật năm 2001, đáng chú ý nhất là bức phù điêu mô tả một hoạt cảnh trích đoạn trong Sử thi Ramayana, tên gọi “Cuộc đối đầu kịch tính giữa Ravana và Sita trong Vườn Asoka”.

Đây là điêu khắc duy nhất minh họa chủ đề này, vì nó chưa từng được ghi nhận trong bất kỳ công trình nghệ thuật Bà-la-môn giáo nào ở châu Á. Các mảnh vỡ phù điêu này có thể từng là một mảng trang trí kiến trúc, đi liền với phù điêu chiến binh khỉ, được sắp đặt quanh chân tháp Nam Khương Mỹ.

Chi tiết điêu khắc “Những con khỉ tinh nghịch” hay “người rừng” quanh đế tháp Nam.
Chi tiết điêu khắc “Những con khỉ tinh nghịch” hay “người rừng” quanh đế tháp Nam.

Chương “Vườn Asoka” của Ramayana, đạo sư Valmiki sáng tác cốt truyện xoay quanh nỗi thống khổ và sự tức giận của công chúa khi hầu vương Hanuman tìm thấy Sita, nỗi buồn và sự kiêu hãnh của công chúa đồng hiện và đã đạt đến tột đỉnh.

Đối với kẻ bắt cóc Sita, quỷ vương Ravana là một kẻ ngạo mạn và gây hại đến nhân loại. Do vậy, thần Visnu đã hóa thân vào Rama để đánh bại quỷ vương này. Về hình dáng Ravana được mô tả là kẻ có mười đầu xấu xa nên dễ nhận dạng trên điêu khắc Khương Mỹ với nhân vật nhiều đầu.

Một mảnh phù điêu khác phát hiện năm 2007, diễn tả cảnh một người cầm vật giống lưỡi kiếm, như đang uy hiếp một phụ nữ. So sánh với nội dung Ramayana, trong tiểu mục cuộc đối thoại giữa Sita và Ravana, trong đó Sita đã từ chối và miệt thị lời tỏ tình của Ravana, hắn trở nên tức giận khi nghe những lời khinh miệt của công chúa. Ngay tức thì, Ravana rút kiếm đe dọa Sita.

Mặc dù bị sứt vỡ thành nhiều mảnh, nhưng hình ảnh quỷ vương nhiều đầu, cùng chân dung người phụ nữ quý phái, được đặt trong bối cảnh xen kẽ giữa kiến trúc và cây cối rậm rạp, đưa người xem liên tưởng một cách rõ nét đến các cảnh thuộc quyển năm, Sử thi Ramayana.

Các cảnh thuộc tập này được khắc họa trên nền phẳng của một phiến đá, có chiều ngang hẹp đủ để diễn đạt các chi tiết trong trích đoạn. Hình ảnh thực vật được ẩn dụ như mỗi dấu ngắt câu, để chuyển sang một phân cảnh hoặc một trích đoạn khác. Đây là thủ pháp tinh tế của nghệ thuật điêu khắc kể chuyện mà các nghệ sĩ Chăm đã áp dụng khi sáng tạo những bức phù điêu độc đáo này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phong cách điêu khắc kể chuyện ở tháp Khương Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO