(QNO) - Hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Công an tỉnh đã, đang mang lại hiệu ứng tích cực nhờ đổi mới nội dung và cách thức thực hiện.
Nội dung tuyên truyền được phổ biến trên cơ sở tương tác giữa báo cáo viên và học sinh. Ảnh: C.T |
Đổi mới từ hành động
Thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh, những năm qua và đặc biệt là thời gian gần đây, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo trật tự ATGT đã tham mưu các cấp triển khai thường xuyên tuyên truyền pháp luật có liên quan, nhất là quy định đội mũ bảo hiểm (MBH). Đơn cử, thông qua các cuộc hội nghị hoặc bằng văn bản đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo công an các địa phương tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về lợi ích thiết thực của việc chấp hành đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và xe đạp điện.
“Chúng tôi xác định, với sự phát triển của xã hội, công tác tuyên truyền phải thay đổi cả về nội dung và hình thức mà trong đó nhân lực trực tiếp triển khai đóng vai trò cốt yếu. Chính vì vậy, phòng tập trung xây dựng đội ngũ báo cáo viên trên cơ sở tuyển chọn những cán bộ được đào tạo bài bản, am hiểu pháp luật về trật tự ATGT, có kỹ năng tổ chức hoạt động… Chẳng hạn, người làm công tác này phải nắm bắt tình hình thực tế, xây dựng được kịch bản, viết ra đề cương và trực tiếp làm tuyên truyền” - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, Thượng tá Phan Thanh Hồng chia sẻ.
Dù đang mang thai, nhưng nữ CSGT vẫn hăng say làm nhiệm vụ báo cáo viên. Ảnh: C.T |
Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông Phòng CSGT đường bộ - đường sắt - Thiếu tá Lê Phan Minh Mẫn cho biết thêm, cán bộ làm công tác tuyên truyền phải tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Bởi vì, muốn tổ chức được chương trình tại một trường học, hay một địa phương, đơn vị nào đó, sau khi nhận được đề nghị thì nhất thiết cần đi thực tế, khảo sát và ghi hình. Sau đó, cán bộ mới về xây dựng nội dung, kịch bản. Nội dung thực hiện phải phù hợp với lứa tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh sống, nhận thức và tâm lý. Tuyên truyền cho học sinh cấp 3 phải khác cấp 2, cấp 2 không như cấp 1; cán bộ viên chức sẽ khác với công nhân lao động tại nhà máy, xí nghiệp, lại càng khác so với người dân ở cộng đồng dân cư.
Về cái khó của công tác trên, một cán bộ của đội giãi bày: “Vừa qua, đội có phối hợp tổ chức tuyên truyền trong đội ngũ quản lý của Nhà máy bia Việt Nam. Không lẽ mình đề nghị người bán hàng (đội ngũ nhân viên thị trường) không được bán bia cho khách hàng, mà thông qua họ tuyên truyền “thượng đế” sử dụng sản phẩm có mức độ, mà đã sử dụng thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho chính tính mạng của mình”.
Áp dụng thực tế
Theo Thượng tá Phan Thanh Hồng, trong năm 2018, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã tổ chức được 127 buổi tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT ở nhiều địa điểm khác nhau, từ vùng ven biển đến đồng bằng, trung du và miền núi. Theo chúng tôi được biết, báo cáo viên hoạt động hết công suất. Đơn cử, Đội CSGT số 2 (trực thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt) thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền ở khu vực các huyện miền núi. Nhờ xây dựng được đội ngũ quy củ, Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông có thể làm nhiệm vụ nhiều nơi trong cùng một thời điểm. Khác hẳn so với trước đây, nếu có 2 đơn vị mời đến tuyên truyền cùng lúc thì sẽ rất khó khăn bố trí nhân lực.
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự ATGT của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt thời gian gần đây không theo một chiều, mà chủ yếu giao lưu, trao đổi thông qua những ví dụ cụ thể từ thực tế hằng ngày. Học sinh trả lời đúng câu hỏi được nhận phần quà là MBH đạt chuẩn, do xe máy Tiến Thu, Quốc Tiến, các ngân hàng ACB, Sacombank… tài trợ. Cho nên, chuỗi hoạt động tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, chứng tỏ đây là giải pháp căn cơ nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và hành động đúng đắn từ phía người tham gia giao thông.
Tặng MBH cho học sinh có câu trả lời đúng đã tạo không khí sôi nổi cho buổi tuyên truyền. Ảnh: C.T |
Nhiều đơn vị, cơ quan, trường học, tổ chức thường xuyên đặt vấn đề về hỗ trợ tuyên truyền. Hình ảnh nữ cán bộ CSGT đang mang thai, thực hiện thiên chức làm mẹ vẫn hăng say đi qua lại giao lưu trao đổi, nói chuyện với học sinh là minh chứng sống động về tinh thần nhiệt huyết đáng trân trọng của người báo cáo viên. Sau khi buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho hơn 700 học sinh kết thúc, thay mặt Ban Giám hiệu Trường THPT Hồ Nghinh (Duy Xuyên), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Hưng đã có thư cảm ơn gửi Giám đốc Công an tỉnh và Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt. Lãnh đạo nhà trường ghi nhận, buổi tuyên truyền đã giúp các em thấy được hậu quả tai nạn giao thông, từ đó nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Núi Thành), cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng phụ trách cảm ơn 2 nữ báo cáo viên đã trình bày buổi tuyên truyền thật sự sôi nổi và ấn tượng. Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông còn trao tặng quà cho những em có thành tích tốt trong học tập. Buổi tuyên truyền cũng nhận được sự quan tâm từ phía cộng đồng doanh nghiệp, khi Công ty TNHH Thân Phú Long hỗ trợ một phần quà giá trị cho một em của Trường Tiểu học Ngô Quyền có hoàn cảnh khó khăn (cha bị tử vong do tai nạn giao thông, mắt của em bị bệnh nặng phải phẫu thuật).
Bên cạnh nghiệp vụ tuyên truyền, thông qua quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT ngoài xử lý hành vi vi phạm còn nhắc nhở, đề nghị người tham gia giao thông tuân thủ quy định của pháp luật. Trường hợp sử dụng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện không đội MBH đều được yêu cầu phải trang bị mũ đạt chuẩn và cài quai đúng quy cách. “Đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh nội dung, hình thức tuyên truyền, nhất là nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành đội MBH nơi người dân. Quy định nêu trên hết sức đúng đắn, vì thực tế nhờ sử dụng MBH mà đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ thương tật trong tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện” - Thượng tá Phan Thanh Hồng bày tỏ.
CÔNG TÚ