Phòng chống bão lũ ở Thăng Bình: Chú trọng phương án tại chỗ

VIỆT NGUYỄN 08/10/2021 05:37

Nằm ở khu vực ven biển và có nhiều vùng trũng thấp nên công tác phòng chống bão lũ ở huyện Thăng Bình được chuẩn bị từ rất sớm. Đã vào mùa mưa bão, lại chịu diễn biến xấu của dịch Covid-19 nên địa phương chú trọng triển khai phương án “4 tại chỗ” và hỗ trợ người dân đầu tư công trình phòng, chống bão lũ tại gia đình.

Nằm ở vùng trũng thấp nên trong năm 2020, xã Bình Đào (Thăng Bình) có hơn 50 ngôi nhà bị ngập sâu hơn 1,5m, sinh hoạt của các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Theo UBND xã Bình Đào, trong năm 2020, bão lũ đã khiến 22 phòng học của 2 điểm trường và 3 nhà văn hóa bị hư hỏng. Nhiều tuyến đường trên địa bàn cũng bị ngập sâu gây ách tắc giao thông, khó cứu trợ người dân.

Ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho rằng, khó khăn lớn nhất trong phòng chống thiên tai ở địa phương là không đảm bảo phương tiện, thiếu về số lượng, chủng loại, nhất là phương tiện chuyên dùng. Địa phương lấy địa bàn thôn, tổ làm nền tảng để ứng phó bão lũ bởi sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của những gia đình cùng địa bàn là nhanh nhất.

“Chúng tôi quán triệt phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư tại chỗ để chủ động ứng phó bão lũ trong năm nay. Chính quyền vận động người dân mua sắm đầy đủ thiết bị, nhất là lương thực, thực phẩm để sử dụng khi bão lũ xảy đến. Địa phương sử dụng nguồn ngân sách phòng chống thiên tai 80 triệu đồng để mua sắm lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác hỗ trợ người dân khi cần thiết” - ông Vinh nói.

Năm nay do dịch Covid-19, không thể tập trung người, nên phương án được hầu hết các địa phương của huyện Thăng Bình áp dụng khi có bão lũ là cài ghép dân cư.

Ông Đặng Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, chính quyền khảo sát, lên danh sách các ngôi nhà kiên cố, vận động chủ nhà đón nhận người dân đến tránh trú thay cho sử dụng các công trình phòng chống bão lũ cộng đồng. “Chỉ có khi bão cấp 12, lũ quá báo động 3 thì chúng tôi mới sơ tán, di dời dân đến các công trình phòng chống bão” - ông Hùng nói.

Ông Châu Quang Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho biết, mỗi năm, Ban chỉ huy quân sự xã đến tận nhà giúp người dân đào hầm tránh trú bão. Lực lượng dân quân nhiệt tình hỗ trợ người dân đào hầm tránh trú bão sâu 2 - 3m, chiều ngang khoảng 3m, dài 3 - 4m.

“Hầm tránh trú bão là kinh nghiệm dân gian được người dân áp dụng để tránh những cơn bão mạnh. Ngoài giúp bà con làm hầm, mỗi khi có bão, lực lượng dân quân thường xuyên sử dụng loa lưu động đến từng ngõ, xóm thông tin về tình hình bão, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống bão” - ông Anh nói.

Thời gian qua, các hộ nghèo trên địa bàn huyện Thăng Bình đã tiếp cận được cơ chế hỗ trợ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức 16 triệu đồng/hộ và được vay vốn lãi suất thấp với mức 15 triệu đồng/hộ của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình để xây dựng công trình phòng chống bão lũ tại nhà. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Chừng (thôn Trà Đóa 2, xã Bình Đào) đầu tư căn gác có diện tích 15m2 từ nguồn hỗ trợ nói trên cộng với vốn liếng tích lũy.

Ông Trần Hữu Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho rằng, cái khó hiện nay là chỉ hộ nghèo mới được hỗ trợ và vay vốn ưu đãi để làm công trình tránh trú bão, lũ tại nhà. Mức hỗ trợ của ngân sách cộng với mức cho vay của ngân hàng chính sách chưa đủ so với nhu cầu vốn cần thiết để hoàn thành công trình nên xã vận động thêm sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để giúp người dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống bão lũ ở Thăng Bình: Chú trọng phương án tại chỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO