Phòng chống bạo lực gia đình

HOÀNG LINH 04/10/2018 06:06

Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực, vào cuộc phòng chống bạo lực hiệu quả, góp phần hướng đến xây dựng nền tảng gia đình hạnh phúc.

Gia đình là nền tảng cho sự phát triển của xã hội, thế nên sự phát triển bền vững của gia đình chính là gốc xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Ông Phan Thanh Tuấn - Phó Trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết, các cấp, ngành đã vào cuộc mạnh mẽ, có nhiều mô hình để xây dựng nếp sống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo. Theo số liệu thống kê trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2013 đến nay, có 1.281 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 1.118 vụ nạn nhân là nữ, 46 vụ là nạn nhân là trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em, phụ nữ chưa đầy đủ và phần nào đó bị xem nhẹ; các gia đình thiếu kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng bảo vệ hạnh phúc của tổ ấm; cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái. Bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự loại bỏ thai nhi khi biết là gái, vứt bỏ trẻ sơ sinh là gái và bạo lực với trẻ em gái. Ngành VH-TT&DL đã xây dựng và nhân rộng những mô hình như “Gia đình phát triển bền vững”, “Nhóm phòng chống bạo lực gia đình” ở các huyện trong tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình và đẩy lùi nạn bạo lực gia đình ở cơ sở.

Những năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ trong phòng chống bạo lực gia đình. Trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở bảo trợ xã hội ở Tam Kỳ, Phú Ninh và Hội An thực hiện nhiệm vụ trợ giúp, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình khẩn cấp về áo quần, ăn ở, đi lại, học hành. Hơn 20 nạn nhân tìm đến các cơ sở xã hội và được trợ giúp là con số rất nhỏ, nhưng bước đầu đã hỗ trợ giúp nạn nhân lúc họ rơi vào đường cùng. Do quan niệm chuyện gia đình nên “đóng cửa bảo nhau” nên nhiều người bị bạo lực chưa tìm đến các cơ sở bảo trợ. Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH đã xây dựng 4 mô hình có lồng ghép phòng chống bạo lực gia đình tại 8 địa phương. Bao gồm mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Tiên Châu (Tiên Phước); mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới (xã Ma Cooih, Đông Giang); mô hình xây dựng sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới tại các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Tây Giang, Đông Giang; mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại xã Tam Giang (Núi Thành). Qua đó nhằm tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, kịp thời phát hiện và hỗ trợ những trường hợp có nguy cơ bị bạo lực gia đình...

Các hội đoàn thể như Hội LHPN tỉnh, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh... đã đến cơ sở tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình theo định kỳ 1 lần/quý thông qua các câu lạc bộ ở thôn, xã. Các câu lạc bộ tìm hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm chia sẻ cách chăm sóc, nuôi dạy con cái... Hàng trăm đợt tuyên truyền, sinh hoạt, tọa đàm với chủ đề về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình được đưa đến với phụ nữ và cả nam giới. Sự vào cuộc trên đã giúp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình ở địa phương, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc cho những người bị bạo lực, nhất là phụ nữ và trẻ em.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống bạo lực gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO