Giun sán là những ký sinh trùng phổ biến trong cơ thể người gây nên nhiều loại bệnh. Theo tổ chức Y tế thế giới, ước tính có hơn 1 tỷ người nhiễm một hay nhiều loại giun sán đường ruột và khoảng 2 tỷ người có nguy cơ bị lây nhiễm.
Hằng năm có khoảng 3,5 triệu trường hợp có triệu chứng liên quan đến các bệnh giun tròn. Tình trạng nhiễm ký sinh trùng tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm đúng mức. Vì vậy, phòng chống bệnh giun sán ngay từ đầu chính là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho bản thân mỗi người và cho cả cộng đồng.
Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, trong khi ý thức vệ sinh của người dân chưa cao, nên là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh giun sán nói chung phát triển quanh năm. Các bệnh ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là bệnh giun kim đã và đang gây ra nhiều tác hại trong cộng đồng một cách thầm lặng và lâu dài; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi song thường gặp ở trẻ em trong lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo...
Nguyên nhân nhiễm giun sán ở trẻ em là do thói quen vệ sinh, tay bẩn, ăn uống không khoa học. Nhiễm giun sán là do trẻ thường bò lê trên sàn nhà, mút tay, đưa các đồ chơi bẩn vào miệng; chơi với súc vật như chó, mèo rồi nhiễm phải nước miếng hoặc phân của chúng; cầm, nắm thức ăn không rửa tay sau khi đi đại tiện. Nhiễm giun còn do ăn thức ăn không sạch, uống nước chưa đun sôi; người lớn không rửa tay sạch khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ; trẻ ăn thức ăn nhiễm ký sinh trùng...
Khi bị nhiễm giun sán, cơ thể thường có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, nôn và buồn nôn... Trẻ bị giun sán thường biếng ăn, còi cọc, kém phát triển, thiếu máu, chậm lớn, tóc thưa rụng, dẫn đến “bụng ỏng, đít teo”. Thai phụ có thể suy dinh dưỡng, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi... Người cao tuổi sức khỏe yếu, nếu nhiễm giun còn có thể gây nên tình trạng suy nhược nghiêm trọng.
Để phòng bệnh giun sán, mỗi người dân cần có ý thức phòng bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ, trong việc thực hiện chế độ vệ sinh, ăn uống và thói quen sinh hoạt. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh cho trẻ…, và rửa tay bất cứ lúc nào khi tay bẩn. Tập cho trẻ thói quen rửa tay chân sạch sẽ trước khi ăn. Không để trẻ nằm, bò trườn dưới đất, không để trẻ mặc quần bị thủng đít. Vệ sinh tay chân, cắt móng tay, móng chân sạch sẽ, không đi chân đất. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh; nhốt súc vật xa khỏi nơi sinh hoạt của gia đình, không để phân làm ô nhiễm nguồn nước; không phóng uế bừa bãi và không dùng phân tươi bón cho hoa màu; vệ sinh nhà cửa, vườn sạch sẽ. Quần áo của trẻ bị nhiễm giun cũng phải được giặt sạch và phơi ở những nơi nhiều nắng để diệt trứng giun. Uống thuốc xổ giun định kỳ 6 tháng một lần theo chỉ định của bác sĩ...