Cuộc chiến phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng vẫn hết sức nóng bỏng. PV. Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Công - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Nam về nhiệm vụ cấp bách của lực lượng QLTT trong thời gian đến.
Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với ngành chức năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. |
P.V: Ông có thể nhận định cụ thể hơn về tình hình hàng giả và gian lận thương mại trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có đến 14.900 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại. Những năm gần đây, trong nền kinh tế thị trường mở cửa, tình hình kinh doanh thương mại trên thị trường Quảng Nam ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cũng vì thế mà hàng nhập lậu từ cửa khẩu biên giới, các cảng biển trên cả nước chuyển về các tỉnh, thành bằng nhiều đường khác nhau. Các đối tượng buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như xé lẻ hàng, “tăng bo” vận chuyển hàng bằng đủ loại phương tiện, thay đổi biển số xe, thay đổi đường vận chuyển, phương tiện vận chuyển hoặc theo dõi các lực lượng chức năng trên đường vận chuyển để đối phó; phủ hàng bông vải sợi, nông sản thực phẩm, hoa quả, chất hàng lậu dưới sâu các lớp hàng khác... để ngụy trang hàng lậu; hàng lậu có giá trị kinh tế cao được giấu trong cốp, lốp, hòm phụ tùng xe; quay vòng hóa đơn, sử dụng hóa đơn chứng từ hàng nhiều lần nhằm trốn lậu thuế hay khi bị phát hiện kiểm tra thì sẽ hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn....
Hàng giả không chỉ có xuất xứ từ nước ngoài, mà còn được sản xuất trong nước. Các đối tượng làm hàng giả đã hết sức tinh vi, hàng giả rất khó phân biệt với hàng thật và được thay đổi theo sự thay đổi mẫu mã, dấu hiệu chống giả của các doanh nghiệp làm ăn chân chính; vận chuyển hàng giả, hàng nhái về những vùng nông thôn, bán cho các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ với giá rẻ… Hiện tại các mặt hàng may mặc, đồng hồ, kính mắt, mỹ phẩm… là các mặt hàng giả chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các loại hàng giả đã được cơ quan chức năng phát hiện. Nơi buôn bán hàng giả thường là cửa hàng kinh doanh cố định có đăng ký kinh doanh, vừa bán hàng thật, vừa bán cả hàng giả. Về vấn đề gian lận thương mại, nhiều cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách cho phép cư dân thu mua hàng qua biên giới, để hợp thức hóa chứng từ; ghi trị giá hàng hóa trong hóa đơn thấp hơn rất nhiều so với thực tế để trốn thuế, vận chuyển hàng hóa có số lượng nhiều hơn so với chứng từ; gian lận về đo lường, chất lượng…
P.V: Cùng với việc hàng giả, hàng lậu, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề đáng lo ngại?
Bên cạnh việc hàng giả, hàng lậu, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Quảng Nam gần đây cũng có nhiều diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Với kỹ thuật công nghệ hiện nay, hình thức bao bì, tem giả nhãn giống hàng thật hơn, tem chống hàng giả phản quang có đặc điểm riêng cũng bị làm giả. Đối tượng sản xuất hàng giả phần lớn là các cá nhân hoạt động riêng lẻ, kín đáo. Các vi phạm bị phát hiện và xử lý như giả nhãn hiệu, giả chất lượng và công dụng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các loại hàng hóa thường gặp như quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm, máy tính, bột ngọt, khí dầu mỏ hóa lỏng...
P.V: Thời gian qua, ngành chức năng đã triển khai những biện pháp gì để chống hàng giả, hàng nhái?
Những năm qua, lực lượng QLTT Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác triển khai nhiều phương án linh hoạt và biện pháp tích cực chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tình trạng làm hàng giả, sử dụng nhãn mác vi phạm bản quyền, “nhái” nhãn mác, sản xuất hàng kém phẩm chất... cũng được phát hiện trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2013, Chi cục QLTT tỉnh đã kiểm tra và xử lý trên 3.000 vụ, phạt vi phạm hành chính và hàng hóa tịch thu trị giá gần 4,5 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng, lực lượng QLTT phải xử lý trên 250 vụ vi phạm. Con số này cho thấy vấn nạn hàng giả hàng nhái, hàng nhập lậu ngày càng có xu hướng gia tăng và nếu như không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.
P.V: Dự báo tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn hết sức nóng bỏng, theo ông để kiểm soát tình hình này, nhiệm vụ cấp bách nhất của lực lượng QLTT Quảng Nam hiện nay là gì?
Thời gian tới, QLTT Quảng Nam tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về hàng giả bằng nhiều hình thức như thông qua báo, tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp, tổ chức hội thảo…; trong đó chú trọng việc công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và cảnh giác. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi sát diễn biến thị trường, thu thập thông tin để phục vụ công tác kiểm tra thị trường đạt hiệu quả. Kịp thời kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm khi nhận được tin báo của người tiêu dùng, của doanh nghiệp. Làm tốt công tác dự báo tình hình, chủ động tham mưu đề xuất Ban Chỉ đạo 127/ĐP trong công tác đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ nguyên nhân một phần của việc nhập lậu là do công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng chưa thực hiện thường xuyên và chưa phối hợp đồng bộ, tập trung vào trọng tâm, điểm nóng. Để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả xâm nhập trên thị trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người kinh doanh và cả người tiêu dùng trên cả lĩnh vực chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và đạo đức kinh doanh, thói quen tiêu dùng. Bởi hàng hóa phải có nơi tiêu thụ, khi người dân chưa nâng cao ý thức về việc tiêu thụ hàng nhái, hàng giả thì việc chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn gặp khó khăn. Và muốn làm được điều này thì cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước và đẩy mạnh thựchiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
P.V: Xin cảm ơn ông!
TRUNG LỘ (thực hiện)