Nhiều biện pháp cấp bách vừa được chính quyền Hội An áp dụng để phòng chống cháy, nổ ở phố cổ, trong đó có những biện pháp mạnh tay như có thể cắt điện, thu hồi giấy phép kinh doanh nếu không có người ở trong nhà cổ.
|
Người dân và lực lượng chức năng chữa cháy ở khu phố cổ Hội An. Ảnh: Q.H |
Nguy cơ cháy lớn
Đến tận 8 giờ sáng, khu phố cổ Hội An vẫn im ắng vì khá nhiều ngôi nhà cổ còn im ỉm khóa. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết: “Toàn bộ khu vực I đô thị cổ có 928 ngôi nhà mặt tiền, trong đó có 849 nhà dân thì đã có đến 751 ngôi nhà dùng để kinh doanh, chiếm gần 81%. Nếu tính cả số di tích, văn phòng giao dịch tham quan thì 15 tuyến đường trong khu phố cổ đã có từ 90 - 100% số nhà mặt tiền đã sử dụng. Các tuyến Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Quý Cáp có mật độ 100%; Hoàng Diệu 97% và Trần Phú thì có 96,65%...”.
Ngoài áp lực từ mật độ dân số đông đúc, sự quá tải của phố cổ còn thể hiện ở ngay việc cấp giấy phép kinh doanh. Trong một ngôi nhà có 2 giấy phép kinh doanh 2 mặt hàng khác nhau là không hiếm. Một shop vải chứa cả trăm cây vải, một cơ sở sản xuất hàng mộc có vài trăm món hàng, đó là chưa kể đến việc trưng bày, biển quảng cáo của những quầy hàng lưu niệm, gallery dày đặc. Nhiều ngôi nhà cổ chỉ để kinh doanh, sau 21 giờ đêm không có người ở, nguy cơ cháy là rất lớn.
Theo thống kê, chỉ trong thời gian ngắn (năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013), tại Hội An đã xảy ra 11 vụ cháy, 3 vụ xảy ra trong khu vực phố cổ, thiệt hại đáng kể. Ông Tống Quốc Hưng - Phó phòng VH-TT Hội An nói: “Từ vụ hỏa hoạn nhà kết cấu bê tông số 94 Trần Phú xảy ra vào năm ngoái ai nấy đều hú hồn, nhưng ngọn lửa không cháy lan qua nhà lân cận. Lần này ngôi nhà bị cháy 134 Trần Phú xảy ra vào ngày 9.7.2013 có kết cấu chủ yếu bằng gỗ, nhưng lần nữa lại “may mắn” cho khu phố cổ bởi thời gian phát hỏa vào ban ngày. Nếu xảy ra vào ban đêm thì cả phổ cổ với đầy ắp cửa hàng, hiệu vải, tranh ảnh trong hơn mấy nghìn ngôi nhà gỗ không biết sẽ như thế nào”. Cơ quan Công an Hội An khẳng định, nguyên nhân các vụ cháy phần lớn thuộc về sự chủ quan của nhân dân về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), bất cẩn trong sinh hoạt, thờ cúng, kinh doanh buôn bán của một số hộ dân; sự chủ quan và thiếu quan tâm của hệ thống chính trị một số xã phường trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về PCCC trong cộng đồng dân cư; sự phối hợp và kiểm tra chưa thường xuyên của các ngành chức năng thành phố về công tác phòng chống cháy, nổ trên địa bàn…
Biện pháp mạnh
Vừa qua, Thành ủy Hội An ban hành Chỉ thị số 16 về việc “Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống cháy, nổ trên địa bàn thành phố”. Theo Bí thư Thành ủy – ông Nguyễn Sự: “Công tác phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên của hệ thống chính trị, gắn liền với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn liền với sự tồn tại và phát triển bền vững của thành phố”. Cả hệ thống chính trị tại Hội An vào cuộc, lấy phòng ngừa là chính và nhân dân phòng ngừa là chủ yếu. Cùng với phương án PCCC, UBND thành phố đã lập đoàn kiểm tra, rà soát, kiên quyết khắc phục các nguyên nhân, điều kiện có nguy cơ gây cháy nổ như hệ thống điện, sử dụng gas, khí đốt trong cơ sở không đúng quy định; việc thờ cúng không đảm bảo an toàn về cháy nổ; hoạt động buôn bán kinh doanh nhất là những hàng hóa dễ cháy nổ… “Từ nay, trong khu phố cổ, nhà cho thuê phải có người ở lại vào ban đêm, nếu không có người ở lại thì ngừng cung cấp điện; nếu hệ thống điện không đảm bảo an toàn thì ngừng cung cấp điện; nếu kinh doanh hoặc thuê nhà để làm kho hàng hóa thì thu hồi giấy phép kinh doanh” - ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND thành phố nói.
Cùng với biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm quy định về PCCC, thành phố cũng rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong “Quy chế quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trong khu phố cổ và một số vùng lân cận” nhằm giảm thiểu các điều kiện có nguy cơ gây cháy nổ. Những mặt hàng kinh doanh dễ cháy như giấy, vải, quần áo may sẵn, hàng lưu niệm bằng tre, gỗ… phải sắp xếp, bố trí lại hợp lý, giảm mật độ bằng cách di dời ra ngoài phố cổ và không cho đặt kho hàng hóa trong khu vực phố cổ… Cũng theo ông Trương Văn Bay, Hội An đang tập trung xúc tiến nhanh những hạng mục công việc thuộc dự án PCCC do Chính phủ tài trợ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cho công tác phòng chống cháy nổ; trang bị các phương tiện, trang bị hệ thống báo cháy, dụng cụ chữa cháy cho các cơ quan, đơn vị, các di tích, bảo tàng và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các lực lượng làm công tác PCCC, thực hành diễn tập công tác PCCC…
Theo chỉ thị của Thành ủy Hội An, 3 phường trọng điểm Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong và xã Tân Hiệp có phương án chữa cháy cụ thể, thành lập đội chữa cháy tại chỗ và trang bị dụng cụ báo cháy, chữa cháy; tổ chức bố trí lực lượng ứng trực, tuần tra, canh gác, bảo vệ nhất là ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính. Bí thư, chủ tịch UBND các xã phường và bí thư, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác PCCC, không để xảy ra cháy nổ trên địa bàn quản lý.
QUỐC HẢI