Nhiều địa phương đã khoanh vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để phối kết hợp với lực lượng kiểm lâm chủ động đối phó với “giặc lửa” vào đỉnh điểm mùa khô.
Đốt rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất khiến nguy cơ cháy rừng rất cao. Ảnh: T.H |
Định vị bản đồ cháy rừng
Thời tiết nắng nóng ngày càng diễn biến khốc liệt, sự tác động của con người vào các loại rừng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Theo thống kê, 10 năm qua (2003-2012), toàn tỉnh xảy ra 74 vụ cháy rừng, thiêu rụi hơn 332ha. Đáng chú ý, gần đây “bà hỏa” thường tấn công các khu rừng trồng keo, bạch đàn, thông nhựa ở các huyện Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn. Nguyên nhân cháy rừng được xác định là do ý thức chủ quan của con người như đốt nương làm rẫy, đốt than, phát đốt bờ ruộng, khai hoang, đốt ong, đốt đồng cỏ chăn nuôi gia súc, thắp hương mồ mả, xử lý thực bì để trồng rừng, vệ sinh rừng sau khai thác… Chi cục Kiểm lâm tỉnh cảnh báo, bắt đầu từ tháng 6 này, nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh sẽ đứng trước nguy cơ cháy rừng rất cao do nhiều ngày không mưa, thời tiết hanh khô kéo dài. Các khu vực Tiên Phước, Hiệp Đức đang ở cấp IV rất nguy hiểm. Các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Hội An, Bắc Trà My, Nam Trà My ở cấp nguy hiểm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã ký quyết định phê duyệt phương án PCCC rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 107/222 xã thuộc 17/18 huyện, thành phố được công nhận là xã trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và được phân theo mức độ xung yếu như sau: vùng ít xung yếu gồm 49 xã, vùng xung yếu có 40 xã và vùng rất xung yếu 18 xã. |
Huyện Phú Ninh, nơi có hơn 23 nghìn héc ta lưu vực rừng đầu nguồn Phú Ninh cũng lên kế hoạch phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng từ rất sớm. Theo đó, xác định từ tháng 6 đến tháng 8 là đỉnh điểm của nguy cơ cháy rừng, tập trung ở các thôn Tân Vinh, Lâm Môn (xã Tam Vinh), các xã Tam Lộc, Tam Lãnh, riêng xã Tam Đại có 4 khu vực nguy cơ cháy cao như Đồng 159, Đồng Vòng, Tân Lợi, Nổng Vân. Qua theo dõi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phân chia được 2 vùng xung yếu cháy rừng. Ở miền núi, báo động là những nơi có độ che phủ rừng cao. Cụ thể, tại huyện Đông Giang, khu vực cảnh báo gồm các xã Ba, Zơ Ngây, Tà Lu, Sông Kôn và A Ting; các khu rừng trồng và rừng khoanh nuôi có trồng bổ sung của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương. Các xã Tà Bhing, Chà Vàl và Cà Dy, thị trấn Thạnh Mỹ, các khu rừng trồng cao su thuộc huyện Nam Giang. Trong khi đó, tại Bắc Trà My, xác định là các khu rừng trồng của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, các xã Trà Dương, Trà Đông, Trà Sơn, Trà Đốc, Trà Nú, Trà Kót, Trà Giang, Trà Tân và thị trấn Trà My. Còn Nam Trà My, chủ yếu các vùng rừng cây bụi, lau lách, nơi có hoạt động sản xuất nương rẫy của đồng bào các xã Trà Mai, Trà Don và Trà Tập.
Theo ông Từ Văn Khánh - Trưởng phòng Quản lý và bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), việc định vị được khu vực nguy cơ cháy rừng trên bản đồ nhằm giúp chính quyền cơ sở có phương án chỉ đạo cán bộ lâm nghiệp xã và lực lượng PCCC rừng, kiểm lâm địa bàn thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát lửa rừng nhằm ngăn chặn người vào rừng trái phép và phát hiện lửa kịp thời để có biện pháp cứu chữa hiệu quả.
Dùng lửa đúng quy định
Cấp báo khi phát hiện cháy rừng Khi người dân phát hiện cháy rừng, bằng mọi cách phải báo ngay cho mọi người xung quanh, thông tin cho chủ rừng, đội kiểm lâm cơ động và PCCC rừng nơi gần nhất, chính quyền địa phương sở tại, cơ quan kiểm lâm sở tại hoặc công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý. Trường hợp thật cần thiết thì mới báo cho Phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh. Hoặc báo về theo địa chỉ Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, số 77 Trần Quý Cáp, TP.Tam Kỳ. Điện thoại : 05103.852.538, 01503.813.578. Di động ông Đặng Đình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm: 0913 406 348 hoặc ông Từ Văn Khánh - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm: 0983 810 540. |
Với phương châm không được lơ là với “giặc lửa”, ngành kiểm lâm đã hướng dẫn, quy định khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác. Trước khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, xử lý thực bì để trồng rừng..., yêu cầu người sử dụng lửa phải làm đường ranh cản lửa bao quanh. Khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan rộng. Sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa. Hiện, nhiều địa phương triển khai sửa lại các bảng biển bảo vệ rừng, PCCC rừng, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, các thiết bị phục vụ cảnh báo cháy rừng tại các trạm khí tượng. “Một trong những quy định bắt buộc của chúng tôi là khi xây dựng các dự án có tác động đến rừng, các dự án trồng rừng phải có xây dựng phương án PCCC rừng ngay từ khâu khảo sát thiết kế và được cấp có thẩm quyền phê duyệt” - ông Khánh nói.
Thời gian qua, ngành kiểm lâm bỏ ra hàng tỷ đồng để mua các loại xe chữa cháy rừng chuyên dụng, máy bơm nước chữa cháy, cưa xăng, thuyền máy, ca nô, ô tô, xe máy, hệ thống thông tin liên lạc, đồ bảo hộ, kẻng báo động, trạm quan trắc khí tượng cảnh báo cháy rừng... Để phòng xa, chính quyền các địa phương còn buộc người dân ký cam kết cấm mang theo lửa trong những khu rừng có nguy cơ cháy cao. Ngành kiểm lâm cho rằng, chủ rừng phải chịu trách nhiệm đầu tiên về công tác bảo vệ và PCCC rừng trong lâm phận do mình quản lý.
TRẦN HỮU