(QNO) - Nhà ăn tập thể, căng tin bệnh viện, hành lang dành cho người nhà bệnh nhân… là những nơi thường tập trung đông người, nếu không may có trường hợp bị nhiễm dịch Covid-19, thì nguy cơ lây nhiễm xảy ra rất cao. Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cần cẩn tắc vô ưu, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cấp bách về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sáng ngày 30.3, nhà xe đối diện với phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vẫn đông thân nhân người bệnh ra vào, nhiều người không đeo khẩu trang.
Sát phòng cấp cứu của bệnh viện này có khu vực tiếp nhận bệnh nhân sốt – ho – viêm phổi, nhưng quan sát thì chỉ có người nuôi bệnh lui tới, cũng dễ bắt gặp nhiều người không mang khẩu trang y tế, hoặc nếu có thường thấy khẩu trang thường, hoặc đeo chỉ che miệng, hở mũi.
Hai ngày qua, lực lượng chức năng đã xử lý rất quyết liệt khu vực nội thành Tam Kỳ về việc tụ tập đông người ở các cơ sở kinh doanh ăn uống, quán cà phê… Tuy nhiên, tại khu vực căng tin của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, người ra vào mua bán đồ ăn thức ăn phục vụ cho bệnh nhân vẫn còn đông. Ngành y tế khuyến cáo, nên rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy. Nhưng theo quan sát, tại khu vực ra vào các khoa điều trị trong bệnh viện, mặc dù có trang bị các dụng cụ sát khuẩn nhưng vẫn còn ít ỏi, thậm chí đặt ở vị trí khó tìm thấy.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, người ra vào hiện nay chủ yếu là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế, nhân viên nhà ăn, căng tin, người lao động phục vụ cho việc sửa chữa các hạng mục xây dựng hạ tầng. Lượng người ra vào đông, nhưng việc quản lý xem ra rất lỏng lẻo. Tại hầu hết các khoa trong bệnh viện, trước ngày 30.3, hầu như người nuôi bệnh nhân tự do ra vào mà không có sự kiểm soát nào từ nhân viên y tế. Trong khi đó, Bộ Y tế cảnh báo, ổ dịch từ các bệnh viện là cực kỳ nguy hiểm, với tốc độ lây nhiễm chéo rất nhanh. Bài học về ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai là ví dụ điển hình. Nhiều bệnh nhân dương tính với Covid-19 liên quan đến bệnh viện này tăng lên mỗi ngày và khó khăn nhất của cơ quan chức năng là truy tìm lai lịch của từng người đã đến Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện các biện pháp cách ly.
Ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, việc quản lý người nuôi bệnh mới được thực hiện sáng 30.3. Tại Khoa Ngoại tiêu hóa, 2 cửa ra vào đã được kiểm soát, không còn việc mở tự do như trước đó. Người nhà muốn vào nuôi bệnh, đều được nhân viên y tế lấy lời khai sơ bộ về “tiểu sử” cá nhân. Chỉ sau khi nhân viên y tế thông báo hạn chế người đến thăm bệnh nhân đang điều trị vào buổi sáng ngày 30.3, thì chiều cùng ngày ở các hành lang các khoa thưa bóng người nuôi bệnh tụ tập hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người rất chủ quan, không đeo khẩu trang khi đến nuôi, thăm bệnh nhưng vẫn không có lực lượng nào nhắc nhở, hay dùng biện pháp cứng rắn. Thiết nghĩ, việc kiểm soát chặt chẽ người nuôi bệnh tại các khoa của bệnh viện trong thời điểm này, là vô cùng cần thiết. Cẩn tắc vô ưu là không thừa!