“Nâng cao năng lực xét nghiệm” là điều Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung trong lúc cao điểm của dịch bệnh, sau khi đã tiến hành thành lập các khu cách ly và phong tỏa.
Lấy mẫu trên diện rộng
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho biết, tính đến ngày 8.8 đã thực hiện được hơn 10.700 mẫu xét nghiệm.
“Quảng Nam đã làm rất quyết liệt và nghiêm túc công tác lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Về nguyên tắc, lấy mẫu xét nghiệm càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. Hiện chúng tôi một ngày trung bình xét nghiệm hơn 3.000 mẫu, công suất hơn cả một đợt của trước đây” - ông Kiệm nói.
Được biết, CDC Quảng Nam đã được Viện Pasteur Nha Trang cho phép khẳng định các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Theo ông Kiệm, đây chính là bước rút ngắn quá trình công bố kết quả cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, dù năng lực xét nghiệm đang được tăng cường mỗi ngày nhưng điều lo lắng hiện nay là chưa xét nghiệm đủ các khu phong tỏa trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh (ngày 8.8), nhiều địa phương cho biết, ngoài truy vết các F1, F2, đang tập trung đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên cho biết, địa phương đã sử dụng hết 2.000 test xét nghiệm và đang tiếp tục mua thêm 2.000 test. Kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ để địa phương lấy mẫu F1 và khu vực phong tỏa. Huyện đã huy động thêm cán bộ y tế học đường và lực lượng y tế về hưu nhưng vẫn chưa đảm bảo nhân lực tại các khu cách ly, Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế xã...
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An kiến nghị tỉnh tiếp tục mở rộng lấy mẫu xét nghiệm, nhất là các trường hợp nghi ngờ F1, F2, F3. Bởi theo ông Sơn, càng xét nghiệm ngăn chặn kỹ, hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh càng cao.
Gộp mẫu bệnh phẩm
Trong khi đó, tại TP. Tam Kỳ, từ ngày 6.8 - 8.8, địa phương đã lấy 2.600 mẫu bệnh phẩm cho tất cả người đi về từ vùng dịch và người tiếp xúc với F1 được cách ly tại nhà. Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội vì có số ca dương tính khá cao trong tổng số ca của tỉnh, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho rằng, các địa phương này cần tập trung lấy mẫu nhanh, vì Sở Y tế đã hỗ trợ các kỹ thuật viên lấy mẫu cho các địa phương. Do đó, địa phương cần tăng cường nhân lực cho công tác này.
“Sáu địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp cần tính đến việc bất cứ ai có triệu chứng sốt ho ngoài cộng đồng phải được lấy mẫu xét nghiệm” - ông Hai nói.
Khó khăn hiện tại, theo ngành y tế, chính là môi trường vận chuyển mẫu. Bởi các đơn vị cung ứng trước đây chỉ bán kít xét nghiệm, không kèm theo môi trường vận chuyển nên buộc phải mua riêng.
Trong buổi làm việc cùng Tiểu ban giám sát - Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 cấp tỉnh vào hôm qua 9.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu, bắt đầu từ ngày 10.8, các địa phương nguy cơ thấp sẽ triển khai lấy mẫu theo hướng dẫn tạm thời về gộp mẫu xét nghiệm của Bộ Y tế (ban hành ngày 7.8). Theo đó, hướng dẫn tạm thời này được xây dựng với các nội dung lấy mẫu, gộp mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nhằm giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao sử dụng cho xét nghiệm, giảm thời gian xét nghiệm mẫu và bảo đảm chất lượng xét nghiệm theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Các địa phương, đơn vị phải thường xuyên đánh giá diễn biến của dịch bệnh để xem xét về việc triển khai gộp mẫu cho phù hợp với tình hình. Thống nhất lấy mẫu xét nghiệm đối với những người trở về từ Đà Nẵng sau ngày 17.7, yêu cầu tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà. Ngoài ra, UBND tỉnh giao các huyện thành lập thêm khu cách ly tập trung trên địa bàn, ở các huyện chưa xuất hiện ca dương tính thì hỗ trợ cho địa phương khác. “Các địa phương tuyệt đối không để F1 cách ly tại nhà mà phải cách ly tập trung” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Không để điều gì làm chậm trễ công tác phòng chống dịch
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 cấp tỉnh và các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, phát động toàn dân nêu cao ý thức phòng dịch, không mất cảnh giác, không lơ là, không chủ quan trong thời điểm này. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ đạo hoạt động phòng chống dịch bệnh; xử lý nghiêm trường hợp trốn cách ly, đưa tin sai sự thật làm người dân hoang mang... Những nơi nào không xảy ra dịch và có đủ điều kiện sản xuất, đề nghị vẫn tổ chức làm việc. Cán bộ đảng viên phải gương mẫu trong công tác phòng chống dịch, không tổ chức đám cưới, đám giỗ, hiếu hỉ ngay thời điểm này. Các địa phương chuyển dần làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến trên mạng và các ứng dụng điện tử khác.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu kịp thời giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ y tế để động viên tinh thần. Ngoài ra, nhanh chóng tạm ứng kinh phí mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm. Không để bất cứ điều gì làm chậm trễ trong công tác phòng chống dịch. Ngành y tế cần xây dựng gấp quy chế cho nhân viên y tế và người thăm nuôi phải hết sức tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa Covid-19 và nhiều bệnh truyền nhiễm khác, xây dựng thành nền nếp tại các cơ sở y tế từ nay về sau. Các cấp, ngành, địa phương quan tâm động viên lực lượng làm việc tại các chốt kiểm soát, phải trang bị thiết bị chống nóng, chỗ nghỉ ngơi cho đội ngũ này. Trong thời điểm này, các địa phương cần rà soát hộ nghèo, khó khăn để hỗ trợ, không được để hộ nghèo nào xảy ra tình trạng đói kém, thiếu thốn. Bí thư Tỉnh ủy kỳ vọng sự đồng lòng từ các cấp ngành và toàn dân sẽ giúp địa phương vượt qua dịch bệnh.