Việc nhân viên y tế nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Quảng Nam lần nữa gióng lên hồi chuông về khâu kiểm soát, phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế.
Tạm thời phong tỏa bệnh viện
Ngày 30.7, BVĐK Trung ương Quảng Nam ghi nhận 4 ca mắc Covid-19 sau khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Trong số này có 3 trường hợp đều làm việc tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện (tức vùng đỏ).
Ông Đinh Đạo - Giám đốc BVĐK Trung ương Quảng Nam thông tin, khi bệnh viện thực hiện xét nghiệm mẫu gộp thì cho kết quả dương tính, ba trường hợp này gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng - là lực lượng chăm sóc trực tiếp cho các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện.
“Chúng tôi đã tiến hành truy vết các F1 liên quan và cách ly tập trung các trường hợp này. Sau đó, làm xét nghiệm RT-PCR toàn viện cho khoảng 600 nhân viên. Ngay trong đêm tiến hành khử khuẩn khu cách ly, thanh trùng và thay vào toàn bộ ê kíp mới, đồng thời siết chặt quy trình điều trị, quy trình phòng chống dịch Covid-19” - ông Đinh Đạo cho biết.
Một trường hợp mắc Covid-19 khác được ghi nhận sau khi xét nghiệm toàn viện là nhân viên Khoa Y học nhiệt đới. Ngay trong đêm 30.7, BVĐK Trung ương tiến hành tự phong tỏa và thực hiện phun thuốc khử khuẩn toàn bộ bệnh viện. Nhà ở của nữ nhân viên này ở thôn Vân Trai (xã Tam Hiệp, Núi Thành) cũng được Trung tâm Y tế huyện Núi Thành tiến hành truy vết, cách ly các trường hợp liên quan.
Đánh giá tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn sẽ còn tăng, nguy cơ lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế rất cao nếu không thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát lây nhiễm, đại diện Sở Y tế cho biết sẽ có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 về việc phòng ngừa lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế.
Phân luồng điều trị
Bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 từ ngày 27.7, đến nay, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã nhận và điều trị 53 ca bệnh Covid-19 thể nhẹ của Quảng Nam. Bác sĩ Phạm Thị Hồng Sâm - Trưởng khoa Nội C (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) cho biết, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị người mắc Covid-19, các thành viên trong ê-kíp đã được trang bị những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng bước vào nhiệm vụ mới.
“Là phục vụ chính trong ca trực, kíp trực của bác sĩ đầu tiên điều trị bệnh nhân Covid-19, về tinh thần thì anh em đã sẵn sàng cho chiến dịch điều trị bệnh nhân tại bệnh viện” - bác sĩ Sâm cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, bệnh viện đã có nhiều năm kinh nghiệm điều trị các bệnh liên quan đến lao, phổi. Để đáp ứng được yêu cầu điều trị người mắc Covid-19, bệnh viện đã được đầu tư trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực kịp thời, với quy mô 300 giường bệnh.
“Cơ sở vật chất hiện nay chúng tôi phân ra làm 5 khu, mỗi khu là một kíp trực gồm 1 bác sĩ, 3 điều dưỡng và 1 hộ lý nằm trong một khu kín. Bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hiện đúng quy trình một chiều cho bệnh nhân, cho nhân viên y tế. Tập huấn kỹ cho nhân viên y tế về cách mặc/tháo phòng hộ lao động, các nguyên tắc khử khuẩn, triệt khuẩn yêu cầu phải đảm bảo đúng quy định” - bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo nói.
Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện được điều trị Covid-19 trên địa bàn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế. Rà soát, đánh giá lại toàn bộ khâu tiếp nhận, thu dung, điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân.
Bên cạnh đó, phân công nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn, cán bộ giám sát theo dõi để đôn đốc nhắc nhở toàn thể nhân viên y tế thực hiện nghiêm các quy định về nhiễm khuẩn như: cách sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đúng cách; khi thực hiện các thủ thuật can thiệp trên bệnh nhân, đặc biệt là can thiệp đường thở; hạn chế tiếp xúc khi không cần thiết.
Ngoài ra, các cơ sở này phải tổ chức xét nghiệm test nhanh Covid-19 định kỳ 3 ngày/lần và sử dụng phương pháp RT-PCR nếu có nghi ngờ. Phun khử khuẩn 2 ngày/lần và phun khử khuẩn ngay khi cần thiết tại nơi tiếp nhận ca mắc mới, sau khi di chuyển người bệnh đi nơi khác. Nơi ở của nhân viên y tế cũng phải được phun khử khuẩn 2 ngày/lần.